Từ bỏ một vài sở thích hay món ăn hợp khẩu vị chưa bao giờ là dễ dàng nhưng lại cần thiết với những người viêm loét dạ dày. Việc kiêng khem đúng cách không chỉ giúp giảm khó chịu mà còn góp phần thúc đẩy vết loét nhanh lành hơn. Vậy, viêm loét dạ dày cần kiêng gì để nhanh khỏi? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này!
Nội dung bài viết
Tác dụng của kiêng khem đúng cách với người viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày xuất hiện các tổn thương viêm, loét do sự tấn công của acid dịch vị (HCl) và enzyme tiêu hóa (Pepsin). Tình trạng này xảy ra khi cơ chế bảo vệ dạ dày bị suy yếu bởi tác động của các yếu tố tấn công. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong điều trị viêm loét dạ dày là cần thiết lập lại sự cân bằng giữa 2 yếu tố này.
Trong khi thuốc điều trị có tác dụng tấn công giúp giải quyết nhanh triệu chứng và các tổn thương thì chế độ kiêng khem khoa học lại đóng vai trò “bọc lót” giúp tăng cường và duy trì hiệu quả bền vững, lâu dài. Những ảnh hưởng tích cực của việc kiêng khem đúng cách trong điều trị viêm loét dạ dày gồm:
- Giảm triệu chứng: Tránh sử dụng thực phẩm bất lợi hay thực hiện thói quen sinh hoạt thiếu khoa học giúp giảm tình trạng kích ứng, kích thích dạ dày, qua đó ngăn dạ dày tăng tiết acid hoặc co bóp quá mức. Nhờ vậy, các triệu chứng viêm loét dạ dày có xu hướng giảm nhẹ và giảm tần suất xuất hiện.
- Hỗ trợ lành loét: Kiêng khem đúng cách giúp phục hồi và duy trì sức khỏe tổng thể, bao gồm hoạt động tuần hoàn. Nhờ đó, các tổn thương được tưới máu đều đặn, cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho quá trình phục hồi. Mặt khác, kiêng khem giúp kiểm soát nồng độ acid dịch vị tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành loét.
- Phòng tái phát: Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân tiềm ẩn thúc đẩy sự tăng tiết acid, khởi phát triệu chứng và tổn thương viêm loét dạ dày. Vậy nên, kiêng khem đúng cách là biện pháp hiệu quả và lâu dài để phòng ngừa bệnh tái phát.
- Ngăn biến chứng: Biến chứng viêm loét dạ dày thường xuất hiện khi các tổn thương tiến triển nặng hoặc tái đi tái lại nhiều lần. Việc kiêng khem khoa học hỗ trợ quá trình lành tổn thương, ngăn tái phát, qua đó phòng ngừa biến chứng hiệu quả.
☛ Tham khảo thêm tại: Cách điều trị viêm loét dạ dày
Bị viêm loét dạ dày cần kiêng ăn gì?
Chế độ ăn kiêng đúng cách giúp người bệnh loại bỏ các tác nhân gây kích ứng dạ dày, góp phần điều hoà hoạt động tiết acid dịch vị và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi tổn thương.
Các loại thực phẩm
Người bệnh cần hạn chế những loại thực phẩm có thể gây kích ứng, làm tăng nặng triệu chứng và cản trở quá trình phục hồi các vết viêm loét dạ dày. Điển hình như:
Thực phẩm có tính acid
Thực phẩm có tính acid góp phần kích thích sản xuất và tăng nồng độ acid dạ dày gây kích ứng niêm mạc, cản trở quá trình lành loét. Về mặt triệu chứng, người bệnh có thể tăng cảm giác đau tức, ợ chua, ợ nóng, đầy chướng bụng sau khi tiêu thụ những thực phẩm này.
Một số món ăn có tính acid thường gặp như: các loại thực phẩm lên men (dưa muối, cà muối, hành muối, sung muối, kim chi,…), các loại gia vị cay nóng (hành, tỏi, ớt, tiêu, mù tạt,…), các loại giấm, chanh, các loại mỡ,…
Đồ uống có tính kích thích
Nhiều loại đồ uống chứa chất kích thích có thể gây bất lợi cho chức năng tiêu hóa và cản trở quá trình phục hồi tổn thương của dạ dày như:
- Đồ uống chứa cồn: Phổ biến như: rượu, bia, cocktail,… làm tăng tiết acid dạ dày, khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn đồng thời thúc đẩy hình thành các vết viêm loét mới.
- Đồ uống chứa cafein: Thường gặp như: cà phê, các loại trà, nước uống tăng lực có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid, tăng cường co thắt dẫn đến làm nặng triệu chứng và cản trở niêm mạc phục hồi.
- Đồ uống công nghiệp: Điển hình như các loại nước ngọt, nước uống có gas gây kích ứng niêm mạc dạ dày, tăng tiết acid và khiến các triệu chứng trở nặng.
Đồ ăn dai, cứng
Những thực phẩm dai, cứng thường khiến dạ dày phải co bóp mạnh và mất nhiều thời gian hơn để tiêu hoá. Điều này có thể kích thích bài tiết acid, tăng sinh hơi trong dạ dày và làm triệu chứng trở nặng. Mặt khác, thực phẩm cứng không được nhai nghiền kỹ khi vào đến dạ dày có thể gây cọ xát, khiến vết viêm loét nặng hơn.
Vì vậy, người bệnh cần hạn chế những thực phẩm của nhóm này, điển hình như: các loại hạt khô, các loại thịt khô, cá khô, các loại rau – củ – quả sống,….
Thực phẩm giàu chất béo bão hoà
Chất béo bão hoà có hại cho vết viêm loét dạ dày theo nhiều cách. Một trong những ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất là hiện tượng tăng tiết acid sau ăn làm tăng cơn đau, nóng rát dạ dày. Mặt khác, những món ăn này khó tiêu hóa hơn, thời gian tồn tại lâu trong dạ dày gây hiện tượng đầy chướng bụng. Đáng nói nhất, chất béo bão hoà cung cấp môi trường lý tưởng cho vi khuẩn H.pylori phát triển, khiến tổn thương ngày càng nghiêm trọng.
Những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hoà có hại phải kể đến như: mỡ bò, mỡ cừu, mỡ lợn, da của gia cầm, bơ động vật, bơ ca cao, sữa tươi, sữa nguyên kem,…
☛ Tham khảo đầy đủ: Viêm loét dạ dày nên ăn gì kiêng gì?
Nguyên tắc ăn uống
Ăn uống thiếu khoa học có thể làm rối loạn hoạt động tiết acid của dạ dày, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và làm vết loét tiến triển nặng hơn. Dưới đây là một số thói quen không tốt cần loại bỏ:
- Ăn uống thất thường: Gây rối loạn nhịp sinh học của dạ dày. Đôi khi acid được tiết vào thời điểm dạ dày rỗng khiến các vết viêm loét trên niêm mạc bị tấn công và trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bỏ bữa: Khi người bệnh bỏ bữa, lượng acid do dạ dày tiết ra để tiêu hóa thức ăn sẽ tấn công vào các vết viêm loét trên niêm mạc, khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Ăn quá no: Kích thích dạ dày tăng tiết acid và gây khó khăn cho hoạt động co bóp tiêu hoá thức ăn. Tình trạng này ngăn cản quá trình phục hồi vết viêm loét.
- Ăn quá nhanh: Khiến thức ăn không được nghiền kỹ. Hệ quả là dạ dày phải co bóp mạnh và tăng bài tiết acid. Quá trình này tác động lên vết viêm loét làm giảm tốc độ phục hồi tổn thương.
- Ăn đồ sống: Khiến dạ dày cần bài tiết nhiều acid hơn để tiêu hoá. Bên cạnh đó, thói quen này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm tiêu hoá.
- Nằm ngay sau khi ăn: Tư thế này cản trở hoạt động co bóp tiêu hoá thức ăn và khiến dịch trong dạ dày dễ trào ngược lên thực quản, làm tăng các triệu chứng: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng.
- Uống nước sai cách: Uống nước ngay sau bữa ăn hoặc chan canh cùng cơm có thể làm loãng dịch vị, giảm hiệu giảm hiệu quả tiêu hóa thức ăn. Người bệnh nên uống nước vào buổi sáng và trước bữa ăn 1 tiếng.
Kiêng vận động gì khi bị viêm loét dạ dày?
Hoạt động thể chất tốt cho sức khỏe tổng thể và hệ tiêu hóa, bao gồm dạ dày. Tuy nhiên, những môn thể thao mạnh hay tư thế không phù hợp có thể làm tăng áp lực mạnh và đột ngột lên dạ dày, khiến vết viêm loét trở nặng. Vì lý do này, người bệnh cần kiêng một số bài tập vận động dưới đây:
- Các môn thể thao tiêu hao nhiều thể lực: Điển hình như như: bóng đá, chạy nhanh, cử tạ,… Đây là những môn thể thao đòi hỏi người tập hoạt động liên tục trong thời gian dài. Trong khi đó, người viêm loét dạ dày thường ăn bữa nhỏ, ăn đúng giờ. Điều này khiến người bệnh không đủ năng lượng, dễ bị đuối sức, mất nước – điện giải, tổn thương cơ bắp khi tập luyện.
- Tập gym rèn cơ bụng: Người tập cần thực hiện những động tác gồng, gấp cơ bụng. Điều này tạo áp lực mạnh, đột ngột lên dạ dày nên có thể khiến các ổ viêm loét nặng hơn, tăng nguy cơ xuất huyết.
- Động tác yoga gập bụng: Một số động tác gập người quá sâu có thể tạo lực chèn ép lên khoang dạ dày, khiến các tổn thương ở niêm mạc dạ dày tiến triển nghiêm trọng hơn.
Viêm loét dạ dày kiêng gì trong sinh hoạt?
Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid và tăng co thắt. Những tác động này làm mở rộng tổn thương trên niêm mạc dạ dày, tăng triệu chứng khó chịu. Một số thói quen xấu mà người bệnh viêm loét dạ dày cần loại bỏ gồm:
- Căng thẳng quá mức: Khiến cơ thể tăng tiết cortisol làm tăng co thắt, kích thích tiết acid, giảm tuần hoàn máu nuôi đến niêm mạc dạ dày. Quá trình này khiến vết viêm loét nặng hơn, khó phục hồi.
- Lạm dụng thuốc: Các thuốc chống viêm nhóm NSAIDs và Corticoid có thể làm giảm lưu lượng máu, ngăn tế bào biểu mô tái tạo, giảm chất nhầy và giảm bài tiết HCO3 ở dạ dày dẫn đến ngăn cản vết loét phục hồi.
- Vận động ngay sau ăn: Thói quen này làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày, ngăn cản hoạt động tiêu hóa, khiến thức ăn ứ đọng trong dạ dày lâu hơn. Điều này khiến vết loét lâu lành và tăng triệu chứng khó chịu.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá làm giảm lưu lượng máu và giảm bài tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Những tác động này ngăn cản quá trình phục hồi vết viêm loét ở dạ dày.
- Để cơ thể bị lạnh trong thời gian dài: Khiến dạ dày tăng co thắt làm các vết viêm loét nặng hơn, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.
- Thiếu ngủ: Khiến cơ thể bị căng thẳng, kích thích dạ dày tăng tiết acid làm các triệu chứng trở nặng và ngăn vết loét lành lại.
☛ Tham khảo thêm tại: Viêm loét dạ dày nặng dễ bị biến chứng!
Việc xây dựng, tuân thủ và duy trì chế độ kiêng khem khoa học không chỉ giúp tăng hiệu quả điều trị viêm loét dạ dày mà còn giảm nguy cơ biến chứng, phòng ngừa bệnh tái phát. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những tác nhân có hại cho dạ dày, kịp thời điều chỉnh để sớm thoát khỏi bệnh lý này.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.verywellhealth.com/peptic-ulcer-diet-1742817#toc-how-to-eat-with-a-peptic-ulcer
- https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tieu-hoa/viem-loet-da-day-khong-nen-an-gi-dieu-tri-dung-cach-ra-sao
- https://suckhoedoisong.vn/nguoi-mac-benh-viem-loet-da-day-nen-kieng-an-gi-de-ngua-con-dau-du-doi-169220818123735445.htm