Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý tiêu hóa khiến niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương và gây ra các triệu chứng khó chịu ở mỗi người bệnh thường không giống nhau. Chẩn đoán là bước quan trọng giúp điều trị bệnh đúng hướng và hiệu quả. Cùng tìm hiểu ý nghĩa cũng như những phương pháp của chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng để hiểu rõ hơn về những chỉ định mà bạn thường được bác sĩ yêu cầu.
Nội dung bài viết
Ý nghĩa của việc chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng
Bất kể bệnh nào, việc chẩn đoán vô cùng quan trọng giúp bác sĩ tiên lượng chính xác bệnh cũng như có phương pháp điều trị thích hợp. Với chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng giúp bác sĩ xác định rõ mức độ viêm của vết loét, số lượng vết loét, vị trí vết loét cũng như xác định nguyên nhân gây loét để có hướng điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Cụ thể như sau:
Tìm nguyên nhân gây bệnh
Cơ chế bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là kết quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và phá hủy niêm mạc dạ dày. 2 nguyên nhân chủ yếu phát triển bệnh này là:
- Nhiễm H.pylori
- Sử dụng thuốc NSAID
Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là nhằm vào 2 nguyên nhân phổ biến này. Các xét nghiệm tìm vi khuẩn HP hay những chẩn đoán lâm sàng thăm hỏi bệnh nhân về những thuốc đang sử dụng giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
Xác định vị trí, số lượng vết loét
Xác định vị trí vết loét có thể dựa trên lâm sàng như. Loét dạ dày và tá tràng có thể được phân biệt dựa vào thời điểm xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bữa ăn.
- Đau về đêm thường gặp ở loét tá tràng. Uống sữa hoặc ăn uống (có tác dụng đệm axit dạ dày) hoặc dùng thuốc kháng axit thường làm giảm cơn đau, nhưng cơn đau thường quay trở lại sau 2 hoặc 3 giờ.
- Trong khi loét dạ dày thì việc ăn uống có thể làm giảm đau tạm thời hoặc có thể gây đau hơn là giảm đau.
Tuy nhiên để xác định chính xác vị trí loét ở tá tràng hay ở dạ dày thì cần đến phương pháp nội soi hình ảnh. Với phương pháp này không chỉ thấy rõ vị trí cụ thể của vết loét, số lượng vết loét mà còn đánh giá cả được mức độ viêm loét như nào.
Xác định mức độ viêm của các vết loét
Loét được phân biệt với xói mòn dựa trên kích thước. Các tổn thương có đường kính dưới 5 mm được gọi là xói mòn, trong khi các tổn thương có đường kính lớn hơn 5 mm được gọi là loét.
- Cấp độ 1: Viêm xung huyết/ trợt dạ dày: Ban đầu niêm mạc dạ dày chỉ sưng đỏ, xung huyết do mạch máu tại chỗ bị giãn nở. Sau một thời gian, niêm mạc sẽ hình thành các vết trầy xước còn được gọi là viêm trợt
- Cấp độ 2: Loét nông: Các vết loét ăn mòn dần vào thành dạ dày nhưng chưa đi qua lớp niêm mạc.
- Cấp độ 3: Loét: Các vết loét ở cấp độ 3 đã tiến triển nặng và làm hư hại toàn bộ lớp niêm mạc, làm lộ lớp cơ của dạ dày
- Cấp độ 4: Loét sâu: Các vết loét tiến triển và ăn mòn, phá hủy lớp cơ của dạ dày. Tình trạng này nếu không kịp thời điều trị sẽ gây xuất huyết và thủng dạ dày.
Những đánh giá này có thể thấy rõ qua nội soi đường tiêu hóa trên bao gồm dạ dày, thực quản và cả tá tràng. Cần xem xét kỹ để đánh giá chính xác mức độ tổn thương.
Loại trừ với các bệnh khác
Chẩn đoán cũng giúp loại trừ với các bệnh khác có dấu hiệu, triệu chứng tương tự. Do các triệu chứng của viêm loét dạ dày là triệu chứng điển hình của các bệnh lý khác nữa. Nên chẩn đoán cần xác định làm rõ bằng phương pháp loại trừ.
Các tình trạng sau đây có thể biểu hiện các triệu chứng tương tự như bệnh loét dạ dày tá tràng và điều quan trọng là phải làm quen với biểu hiện lâm sàng của chúng để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) – bệnh nhân thường mô tả cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và vùng dưới xương ức, tiết nước bọt quá mức hoặc trào ngược thức ăn không liên tục.
- Ung thư dạ dày – ngoài đau bụng, bệnh nhân thường mô tả các triệu chứng báo động như sụt cân, đại tiện phân đen, nôn mửa tái phát hoặc có bằng chứng ác tính ở nơi khác trong trường hợp di căn.
- Viêm tụy – đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải dai dẳng và nặng hơn, nặng hơn khi nằm ngửa và bệnh nhân thường có tiền sử nghiện rượu hoặc sỏi mật. Tăng amylase huyết thanh và lipase rất hữu ích trong chẩn đoán.
- Viêm túi mật – đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị thường kéo dài hàng giờ và trầm trọng hơn khi ăn nhiều chất béo và kèm theo buồn nôn và nôn. Sốt, nhịp tim nhanh, dấu hiệu Murphy dương tính, tăng bạch cầu và chức năng gan bất thường giúp phân biệt rõ hơn tình trạng này với cơn đau quặn mật
Thực hiện bằng các xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm máu, xét nghiệm niêm mạc dạ dày tá tràng và thậm chí có thể cần thực hiện thăm khám chuyên sâu để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự.
Phát hiện các biến chứng
Chẩn đoán cũng rất cần thiết trong việc phát hiện được các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Một số biến chứng có thể gặp như:
- Xuất huyết đường tiêu hóa trên
- Tắc nghẽn đường ra dạ dày
- Thủng
- Ung thư dạ dày
Bất kỳ bệnh nhân nào có biểu hiện thiếu máu, đại tiện phân đen, nôn ra máu hoặc sụt cân nên được điều tra thêm về các biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng, chủ yếu là chảy máu, thủng hoặc ung thư.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Phác đồ điều trị loét dạ dày
Các phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng hiện nay
Phân theo chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng ta có thể hình dung các bước cũng như phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày hành tá tràng như sau:
Chẩn đoán lâm sàng
Đây là bước chẩn đoán đầu tiên và quan trọng. Bước này cần khai thác tiền sử các triệu chứng, chẳng hạn như đau và phản ứng với thức ăn khám sức khỏe để tìm các dấu hiệu và nguyên nhân khác gây đau.
Cần khai thác bệnh sử cẩn thận và ghi nhận sự hiện diện của bất kỳ biến chứng nào. Báo cáo của bệnh nhân về đau bụng vùng thượng vị, cảm giác no sớm và no sau bữa ăn làm tăng nghi ngờ về viêm loét tá tràng. Cơn đau do loét dạ dày tăng lên từ 2 đến 3 giờ sau bữa ăn và có thể dẫn đến giảm cân, trong khi cơn đau do loét tá tràng giảm sau bữa ăn có thể dẫn đến tăng cân.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của bệnh và độ tuổi. Loét dạ dày và tá tràng có thể được phân biệt dựa vào thời điểm xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bữa ăn. Đau về đêm thường gặp ở loét tá tràng. Những người bị tắc nghẽn đường ra dạ dày thường có tiền sử chướng bụng hoặc đầy bụng.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau bụng vùng thượng vị
- Đầy hơi, khó tiêu
- Đầy bụng
- Buồn nôn và ói mửa
- Giảm cân hoặc tăng cân
- Nôn ra máu
Các triệu chứng báo động cần được cấp cứu bao gồm:
- Giảm cân không chủ ý
- Chứng khó nuốt tiến triển
- Xuất huyết tiêu hóa rõ rệt: nôn ra máu, đại tiện phân đen
- Đau bụng dữ dội
- Thiếu máu thiếu sắt
- Nôn tái phát
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ác tính đường tiêu hóa trên
Khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình
Để giúp chẩn đoán loét dạ dày tá tràng và kiểm tra các yếu tố gây loét, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và tiền sử gia đình. Bác sĩ của bạn có thể hỏi về
- Triệu chứng của bạn
- Tiền sử bệnh của bạn, bao gồm bất kỳ vết loét dạ dày nào trong quá khứ hoặc nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori)
- Thuốc bạn đang dùng, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Tiền sử gia đình bạn bị loét dạ dày, nhiễm H. pylori hoặc ung thư đường tiêu hóa
Bên cạnh đó khám thể chất cũng là một trong những chẩn đoán lâm sàng không thể bỏ qua, cụ thể:
- Kiểm tra tình trạng sưng tấy ở bụng của bạn
- Lắng nghe âm thanh trong bụng bằng ống nghe
- Gõ nhẹ vào bụng để kiểm tra xem có đau hay không
Sau chẩn đoán lâm sàng bác sĩ thu thập những đánh giá cung như tiên đoán một phần về bệnh. Tiếp đến bác sĩ cần những xét nghiệm chuyên sâu hơn để làm rõ hơn những nghi ngờ về các triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hay những biến chứng liên quan. Đây được gọi là bước chẩn đoán cận lâm sàng. Cụ thể theo dõi tiếp mực bên dưới.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Một loạt các chỉ định có thể được đưa ra ở bước chẩn đoán cận lâm sàng này, đôi khi cũng chỉ cần 1 hoặc 2 chỉ định xét nghiệm tiếp theo. Tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ có những chỉ định riêng. Một trong những xét nghiệm thông thường được chỉ định như sau:
Xét nghiệm tìm HP
Để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng, bác sĩ có thể sẽ tiến hành một số xét nghiệm để tìm hiểu xem cơ thể bạn có vi khuẩn H. pylori hay không. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: kiểm tra các chỉ số máu liên quan cũng có thể giúp kiểm tra kháng thể Helicobacter pylori trong máu để xác định nhiễm khuẩn.
- Xét nghiệm phân: Phương pháp này cũng có thể giúp kiểm tra gen hoặc kháng nguyên của Helicobacter pylori trong phân để xác định nhiễm khuẩn.
- Kiểm tra hơi thở: Độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Với sự hiện diện của urease, một loại enzyme do H.pylori sản xuất, carbon dioxide được đánh dấu phóng xạ do dạ dày tạo ra sẽ được phổi thở ra.
Tuy nhiên với chẩn đoán này vẫn chưa đầy đủ để đánh giá bệnh, đẩy chỉ là chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh chứ chưa đánh giá được tình trạng viêm loét. Cần thực hiện thêm chỉ định xét nghiệm hình ảnh để đánh giá thêm. Đọc tiếp chẩn đoán bên dưới để rõ hơn.
Nội soi dạ dày tá tràng
Xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn vàng và chính xác nhất với độ nhạy và độ đặc hiệu lên tới 90% trong chẩn đoán loét dạ dày, tá tràng. Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa Hoa Kỳ đã công bố hướng dẫn về vai trò của nội soi ở những bệnh nhân có biểu hiện đau bụng trên hoặc các triệu chứng khó tiêu gợi ý đến viêm loét dạ dày tá tràng.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một ống mỏng, dẻo có gắn camera ở đầu để nhìn vào bên trong dạ dày và tá tràng của bạn. Trong quá trình nội soi dạ dày này, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để xét nghiệm H. pylori .
Từ chẩn đoán nội soi này biết được:
- Cụ thể vị trí loét, thông thường loét dạ dày thường nằm ở bờ cong nhỏ giữa hang vị và đáy vị và phần lớn các vết loét tá tràng nằm ở phần đầu của tá tràng (hành tá tràng)(☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Hành tá tràng nằm ở vị trí nào?).
- Mức độ loét được đánh giá theo từng trường hợp và có những chỉ định thuốc khác nhau.
Chụp X-Quang dạ dày tá tràng
Một xét nghiệm hình ảnh cũng có thể được chỉ định là chụp X quang dạ dày tá tràng. Nó được chỉ định khi nội soi bị chống chỉ định.
Xét nghiệm này yêu cầu nuốt bari sử dụng chất lỏng có màu sắc sáng trong đường tiêu hóa của bạn để làm cho vết loét “sáng lên” trên tia X. Giúp nhìn rõ và đánh giá chính xác vị trí và tình trạng vết loét.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Đây là một chỉ định ít gặp. Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng có cản quang có giá trị hạn chế trong chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng nhưng rất hữu ích trong chẩn đoán các biến chứng của nó như thủng và tắc nghẽn đường ra dạ dày.
Đây là chỉ định trong trường hợp nghi ngờ biến chứng do loét dạ dày gây ra trong khi nội soi chưa thể đánh giá rõ. Từ hình ảnh này có được hình ảnh chi tiết về tá tràng và các mô xung quanh.
Nồng độ gastrin huyết thanh
Một chẩn đoán khác tiếp theo là đo nồng độ gastrin huyết thanh. Chẩn đoán này để phân biệt loại trừ với trường hợp khối u nội tiết tiết gastrin gây ra hội chứng Zollinger-Ellison hoặc u gastrin thường phát sinh từ tuyến tụy hoặc tá tràng. Nó dẫn đến nhiều vết loét ở tá tràng và hỗng tràng.
Trường hợp này có thể được chẩn đoán bằng cách đo nồng độ gastrin huyết thanh.
Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng ở đâu chính xác?
Bạn có thể đến các bệnh viện hay phòng khám có chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện.
Như đã nói ở phần trên, chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng có thể bao gồm các phương pháp như nội soi, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân, chụp X-quang hoặc siêu âm. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ quyết định phương pháp chẩn đoán phù hợp với từng trường hợp.
Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng các giấy tờ liên quan, như thẻ bảo hiểm y tế, kết quả xét nghiệm trước đó (nếu có) và danh sách các thuốc bạn đang dùng.
Bạn cũng nên tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ về ăn uống và uống thuốc trước khi thực hiện chẩn đoán. Bạn nên hỏi bác sĩ về các rủi ro, lợi ích và chi phí của các phương pháp chẩn đoán để có thể hiểu rõ và đồng ý với quy trình chẩn đoán.
Bài viết là những thông tin liên quan đến chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng. Hi vọng giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng việc về thăm khám điều trị bệnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan hãy để lại phản hồi bên dưới hoặc gọi tới số tổng đài 18006626 để được tư vấn nhé!
Chúc bạn sức khỏe!