Vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hp) là một trong những “thủ phạm” hàng đầu gây ung thư ở người bệnh viêm loét dạ dày. Vậy, loại vi khuẩn này có ở đâu và làm thế nào để tránh bị lây nhiễm? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nội dung bài viết
Vi khuẩn Hp là gì?
Vi khuẩn Hp có tên khoa học là Helicobacter Pylori, được tìm thấy trong dạ dày người vào năm 1983 bởi hai bác sĩ người Úc: Barry Marshall và Robin Warren.
Helicobacter pylori được xếp vào nhóm vi khuẩn gram âm dài khoảng 2 – 4μm, đường kính khoảng 0.5 – 1.0μm. Bình thường, vi khuẩn Hp có dạng xoắn ốc giúp dễ dàng xâm nhập và di chuyển trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Ở trạng thái không hoạt động, không có trao đổi chất, vi khuẩn Hp chuyển sang dạng coccoid (cầu khuẩn).
Helicobacter pylori có khoảng 2 – 7 roi nên khả năng di động cao. Những sợi roi này có vỏ bọc đặc trưng, dài khoảng 3μm được tạo thành từ những protein hình cầu sắp xếp liền nhau. Phần roi nằm ở đầu vi khuẩn giúp chúng dễ dàng vượt qua lớp nhầy để đến lớp tế bào biểu mô trên niêm mạc dạ dày.
Vi khuẩn Hp có khả năng lây lan mạnh mẽ. Ước tính khoảng 50% dân số trên thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm Hp dao động khoảng 55 – 60%, trong đó có cả trẻ nhỏ từ 1 – 2 tuổi. Tình trạng lây chéo tăng cao ở những gia đình có người mang vi khuẩn, điều kiện vệ sinh không tốt hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vi khuẩn Hp có thể tìm thấy ở đâu?
Vi khuẩn Hp có thể tồn tại cả ở môi trường bên trong và ngoài cơ thể người, cụ thể:
Trong cơ thể con người
Khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn Hp có thể tồn tại và phát triển tại dạ dày, khoang miệng và phân. Tại mỗi vị trí, chúng tạo ra những ảnh hưởng khác nhau đến sức khoẻ của người bệnh.
Trong dạ dày
Helicobacter pylori là vi khuẩn duy nhất có khả năng tồn tại trong dạ dày nhờ khả năng tiết ra enzyme urease giúp trung hòa acid. Chúng có thể cảm nhận được độ pH trong lớp chất nhầy niêm mạc dạ dày và di chuyển về vùng ít acid hơn (điển hình như vùng hang vị dạ dày). Bên cạnh đó, để tránh sự tấn công của acid dịch vị, vi khuẩn Hp chui vào niêm mạc dạ dày và di chuyển đến lớp tế bào biểu mô biên dưới.
Vi khuẩn Hp bám vào các tế bào biểu mô bằng cách sản xuất kết kết dính (BabA hoặc SabA) có khả năng liên kết với lipid và carbohydrate trong màng tế bào. Chất kết dính này rất nhạy cảm với acid và dễ dàng tách rời khi độ pH giảm. Điều này cho phép vi khuẩn Hp dễ dàng phát hiện và thoát khỏi vùng môi trường dạ dày có độ acid quá cao, không thuận lợi cho sự phát triển của chúng.
Mặt khác, vi khuẩn Hp cũng sản xuất ra enzyme arginase giúp chúng “trốn tránh” hệ thống miễn dịch của cơ thể. Arginase cạnh tranh với synthase nitric oxit, qua đó ức chế tổng hợp NO – chất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động miễn dịch, có tác dụng kháng khuẩn, tiêu diệt trực tiếp các mầm bệnh.
Cuối cùng, Helicobacter pylori tiết ra một lượng lớn enzyme urease có khả năng phân huỷ ure trong thành dạ dày thành CO2 và NH3. Quá trình này khởi động cho sự xâm nhập của vi khuẩn Hp, khiến thành dạ dày tổn thương và là cơ chế gây viêm loét dạ dày mãn tính.
Trong môi trường niêm mạc dạ dày, vi khuẩn Hp sẽ không bao giờ tự chết đi mà liên tục phát triển tăng cường số lượng. Vì vậy, người bệnh cần có biện pháp tăng cường miễn dịch và điều trị phù hợp nếu muốn tiêu diệt loại vi khuẩn này.
Trong khoang miệng
Vi khuẩn Helicobacter pylori hiện diện cả ở khoang miệng, cụ thể là trong nước bọt, niêm mạc miệng và cao răng. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng trào ngược hoặc nôn mửa khiến Hp từ dạ dày bị đẩy lên trên. Trong quá trình sinh trưởng, vi khuẩn Hp phân huỷ thức ăn đọng trong khoang miệng và tạo ra các khí như: hydrogen sulfide, dimethyl sunfur, sunfur và methyl mercaptan. Đây là nguyên nhân gây mùi hôi miệng khó chịu ở nhiều người.
Mặt khác, vi khuẩn Hp cũng góp phần làm tổn thương vị trí quanh chân răng, tăng cường các mảng bám thức ăn. Điều này không chỉ gây hôi miệng mà còn thúc đẩy các bệnh nha chu. Dấu hiệu đặc trưng ở người bị hôi miệng do vi khuẩn Hp là mùi vị kim loại luôn xuất hiện trong miệng.
Trong phân
Vi khuẩn Hp có thể từ dạ dày xuống đại tràng theo quá trình tiêu hoá thức ăn. Chúng tồn tại trong phân và được phát tán ra môi trường bên ngoài. Những khu vực sử dụng phân bắc tươi để bón cây tạo thành con đường lây nhiễm vi khuẩn Hp mạnh mẽ và nhanh chóng trong cộng đồng.
Ngoài môi trường tự nhiên
Vi khuẩn Hp được đưa từ cơ thể người ra môi trường bên ngoài thông qua nhiều con đường khác nhau như: phân, nước bọt, các dụng cụ y tế khi nội soi dạ dày hay thăm khám nha khoa. Bên ngoài cơ thể, vi khuẩn Hp có thể tồn tại ở môi trường đất, nước và không khí.
Tuy nhiên, không gian ngoài cơ thể không phải là môi trường thuận lợi. Vậy nên, vi khuẩn Hp chỉ sống được một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:
- Trong đất: Vi khuẩn Hp thường sống được vài giờ ở môi trường đất. Nếu chuyển từ dạng xoắn ốc sang cấu trúc dạng cầu, chúng có thể tồn tại được lâu hơn.
- Trong nước: Trong môi trường nước bình thường, vi khuẩn Hp có thể tồn tại đến 1 năm khi chuyển sang cấu trúc dạng cầu. Nếu nước sôi 100 độ C, vi khuẩn Hp bị tiêu diệt ngay lập tức.
- Trong không khí: Vi khuẩn Hp sử dụng nguồn dinh dưỡng dự trữ để tồn tại trong thời gian tìm được vật chủ mới. Tuỳ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của không khí mà chúng có thể sống được khoảng 1 – 4 tiếng.
Trong thời gian tồn tại bên ngoài cơ thể, vi khuẩn Hp hoàn toàn có thể lây nhiễm nếu tiếp xúc với cơ thể người. Vì vậy, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và đảm bảo an toàn thực phẩm là những yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Hp.
☛ Tham khảo thêm tại: Vi khuẩn Hp lây qua đường nào?
Phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Hp bằng cách nào?
Một người có thể bị nhiễm khuẩn Hp thông qua các con đường như: miệng – miêng, phân – miệng, dạ dày – miệng và dạ dày – dạ dày. Như vậy, để phòng ngừa hiệu quả vi khuẩn Hp, bạn cần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ những con đường này.
Giữ vệ sinh
Giữ vệ sinh sạch sẽ là cách hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm Hp và phát tán vi khuẩn Hp ra bên ngoài môi trường. Những lưu ý cụ thể bao gồm:
- Rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ưu tiên những loại xà phòng có khả năng diệt khuẩn tốt.
- Vệ sinh dụng cụ ăn uống: bát, đĩa, thìa, dĩa,… sạch sẽ giúp ngăn chặn sự lưu trú của vi khuẩn.
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên nhằm hạn chế điều kiện phát triển của vi khuẩn Hp trong môi trường không khí.
- Đi vệ sinh đúng nơi quy định để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
- Xử lý các loại rác thải y tế liên quan đến người nhiễm Hp đúng quy định.
- Vệ sinh đúng quy định các thiết bị y tế trong thăm khám và điều trị cho người có test dương tính với Hp.
Tránh tiếp xúc người nhiễm Hp
Tiếp xúc với người nhiễm Hp không đúng cách khiến bạn dễ dàng bị lây nhiễm. Để tránh tình trạng này, bạn cần chú ý những điều sau:
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mang Hp như: bàn chải đánh răng, khăn mặt, khẩu trang,….
- Không dùng chung các dụng cụ ăn uống như: bát, đũa, thìa, dĩa,….
- Khi ăn chung mâm, không gắp thức ăn bằng đũa cá nhân.
- Người lớn không nhai mớm cơm hay ăn chung đồ ăn với trẻ nhỏ.
- Tránh các hoạt động tiếp xúc quá gần như: ôm, hôn,… vì có thể bị dính nước bọt của người bệnh.
Dinh dưỡng lành mạnh
Chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên của cơ thể và giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn Hp từ môi trường bên ngoài. Những điều bạn cần chú ý bao gồm:
- Cung cấp đầy đủ và cân đối các nhóm chất trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
- Lựa chọn và sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng..
- Sử dụng nước sạch để nấu ăn và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không sử dụng các loại thực phẩm hay món ăn có dấu hiệu ôi thiu, thối, hỏng.
- Ăn chín, uống sôi, hạn chế tối đa các món ăn sống như: rau sống, gỏi, tiết canh, nem chua, mắm tôm,… vì tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn Hp.
- Ưu tiên tự nấu ăn tại nhà, nếu ăn ngoài bạn nên chọn những nhà hàng sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm có tính kích thích, không tốt cho dạ dày như: rượu, bia, chè, cà phê, thuốc lá, nước ngọt,…
Ngoài những vấn đề trên, bạn nên chủ động thăm khám sức khoẻ tiêu hoá định kỳ khoảng 1 – 2 lần/ năm. Thói quen này giúp phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
☛ Tham khảo thêm tại: Các xác định dạ dày có hp hay không?
Trên đây là nội dung xoay quanh vấn đề: Vi khuẩn Hp có ở đâu? Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích, từ đó có biện pháp phòng ngừa vi khuẩn Hp hiệu quả. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, bạn có thể để lại câu hỏi hoặc liên hệ trực tiếp đến hotline: 1800 6626 để được chuyên gia hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo:
- https://bvnguyentriphuong.com.vn/benh-truyen-nhiem/vi-khuan-hp-tu-dau-ma-co-gay-benh-gi-va-cach-phong-tranh
- https://benhvien108.vn/lich-su-va-dich-te-hoc-ve-helicobacter-pylori.htm
- https://en.wikipedia.org/wiki/Helicobacter_pylori#Microbiology