Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) có thể làm tăng nguy cơ ung thư gấp 3 – 6 lần ở người viêm loét dạ dày. Vì lý lý do này việc tầm soát và điều trị vi khuẩn HP là điều mà mà bất cứ người bệnh dạ dày nào cũng cần thực hiện. Vậy, có những phương pháp nào để chẩn đoán nhiễm HP và thực hiện các xét nghiệm ở đâu uy tín? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Nội dung bài viết
Tại sao cần test Hp dạ dày?
Để giải đáp được câu hỏi: “Tại sao cần test Hp dạ dày?”, bạn cần hiểu về loại vi khuẩn này và những ảnh hưởng mà chúng có thể gây ra. Theo đó, Helicobacter pylori là loại vi khuẩn duy nhất có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường dạ dày. Chúng hoạt động chủ yếu trong lớp chất nhầy và tế bào biểu mô trên niêm mạc.
Để thích nghi với môi trường acid, vi khuẩn HP tiết ra enzyme urease có khả năng phân hủy ure thành NH3 và CO2. Trong đó, NH3 có tác dụng trung hòa acid, giúp chúng không bị tiêu diệt. Quá trình này khiến lớp chất nhầy bị bào mỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho acid và pepsin (enzyme tiêu hoá) tấn công niêm mạc, gây viêm loét.
Cùng với đó, vi khuẩn HP tiết ra nội độc tố endocytotoxin có khả năng làm thoái hoá, hoại tử tế bào biểu mô, khiến thành dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xuất huyết – thủng dạ dày. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã xác nhận vai trò của vi khuẩn HP trong sự phát triển loét dạ dày, u lympho trên niêm mạc và ung thư dạ dày. Ước tính có khoảng 1% người viêm loét dạ dày nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ tiến triển thành biến chứng ung thư.
Test HP là việc sử dụng các phương pháp y tế để phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày. Căn cứ vào kết quả thu được, bác sĩ có thể xây dựng được phác đồ hiệu quả và toàn diện cho người bệnh, giảm tối đa nguy cơ biến chứng. Vì lý do này, test HP là xét nghiệm quan trọng cần được thực hiện trong quá trình chẩn đoán và điều trị viêm loét dạ dày.
☛ Tham khảo thêm: Vi khuẩn Hp gây nguy hiểm như nào?
Ưu nhược điểm và chi phí test HP dạ dày
Hiện nay, có nhiều phương pháp test HP được áp dụng tại các cơ sở y tế. Mỗi cách test HP sẽ có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào đối tượng người bệnh và cơ sở vật chất của từng đơn vị. Dưới đây là 4 phương pháp được áp dụng phổ biến nhất
Test Hp qua nội soi dạ dày
Test Hp qua nội soi dạ dày được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc phát hiện trực tiếp vi khuẩn HP. Quá trình thực hiện phương pháp này diễn ra như sau:
- Người bệnh được đưa vào bàn nội soi và thực hiện gây mê (nếu có chỉ định).
- Bác sĩ dùng một ống nội soi có gắn camera để đưa trực tiếp vào dạ dày thông qua đường miệng – cổ họng hoặc đường mũi.
- Trong quá trình nội soi, bác sĩ dùng kim sinh thiết lấy một phần mô quanh vị trí tổn thương.
- Mẫu mô này được đem đi test urease nhanh (Clo Test), nuôi cấy vi khuẩn hoặc sinh thiết mô bệnh học để xác định sự tồn tại của vi khuẩn HP.
Test HP qua nội soi dạ dày được xếp vào nhóm xét nghiệm xâm lấn. Phương pháp này có ưu – nhược điểm sau:
Ưu điểm:
- Có thể vừa khảo sát được tổn thương niêm mạc, vừa phát hiện được vi khuẩn HP.
- Độ đặc hiệu cao (>95%).
- Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn cung cấp dữ liệu về tình trạng kháng kháng sinh và có cơ hội thu được nguồn vi khuẩn HP thuần chủng để phục vụ nghiên cứu lâu dài.
Nhược điểm:
- Thủ thuật nội soi gây khó chịu cho người bệnh trong quá trình thực hiện.
- Độ nhạy không ổn định, dao động từ 50 – 90%.
- Chi phí cao do sử dụng thiết bị nội soi hiện đại, quá trình nuôi cấy vi khuẩn đòi hỏi nhân lực có trình độ, quy trình nghiêm ngặt, thiết bị chuyên dụng và tốn nhiều thời gian.
- Nguy cơ lây chéo các loại virus (HIV, HCV) do thiết bị nội soi xử lý không đúng quy trình.
- Nguy cơ âm tính giả cao do diện tích bề mặt dạ dày khoảng 500 – 1000mm2, trong khi đó mẫu sinh thiết tối đa khoảng 3 – 4 mm2 và không được lấy quá 6 mẫu/ người.
- Không thể thực hiện trên một số đối tượng như: phụ nữ mang thai, trẻ em và người già.
- Không phải cơ sở y tế nào cũng có đủ thiết bị để thực hiện.
Chi phí:
Chi phí cho một lần xét nghiệm HP qua nội soi dạ dày thường dao động trong khoảng 400.000 – 2.250.000 đồng. Trong đó, giá nội soi thường từ 250.000 – 2.000.000 đồng và phí xét nghiệm HP khoảng 150.000 – 250.000 đồng. Mức chi phí này có thể chênh lệch ở các cơ sở y tế do yếu tố như: nội soi gây mê hay nội soi không gây mê, yêu cầu đặc biệt (làm kháng sinh đồ, lấy kết quả nhanh), chất lượng dịch vụ hay chương trình khuyến mãi. Ngoài ra với mức nội soi có bảo hiểm y tế sẽ được giảm đáng kể.
Test hơi thở tìm Hp dạ dày
Phương pháp này được thực hiện trên cơ chế 13C-ure hoặc 14C-ure bị thuỷ phân khi tiếp xúc với urease của vi khuẩn trong hơi thở của người bệnh tạo ra CO2 trong dạ dày. Lượng CO2 này sẽ vào máu, đến phổi và được người bệnh thải ra ngoài. Như vậy, sau khi uống thuốc C13 hoặc C14, nồng độ CO2 trong hơi thở của người bệnh sẽ có sự chênh lệch.
Quá trình thực hiện xét nghiệm gồm các bước sau:
- Người bệnh được lấy mẫu hơi thở lần 1 trước khi uống thuốc.
- Người bệnh uống thuốc C13 hoặc C14 do đơn vị xét nghiệm cung cấp.
- Sau khoảng 15 – 30 phút, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu hơi thở của người bệnh vào thiết bị (bóng hoặc thẻ) chuyên dụng.
- Hai mẫu hơi thở được đem đi định lượng nồng độ CO2. Sự chênh lệch nồng độ CO2 trước và sau khi uống thuốc giúp xác định sự tồn tại của vi khuẩn HP.
Test hơi thở tìm vi khuẩn HP thuộc nhóm xét nghiệm không xâm lấn. Những ưu – nhược điểm của phương pháp này gồm:
Ưu điểm:
- Độ nhạy và độ đặc hiệu cao (>95%).
- Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm HP cho những người không có triệu chứng.
- Không gây khó chịu trong quá trình thực hiện, thích hợp cho nghiên cứu dịch tễ hay đối tượng người bệnh là người già và trẻ em.
- Phù hợp trong việc xác định vi khuẩn HP đã được tiêu diệt sau điều trị hay chưa.
- Chi phí tương đối rẻ.
Nhược điểm:
- Nguy cơ bức xạ trong trường hợp sử dụng thuốc C14, không phù hợp dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chống chỉ định với phụ nữ mang thai.
- Nguy cơ dương tính giả ở người bệnh nhiễm vi khuẩn (không phải HP) có khả năng tiết ra urease.
Chi phí:
Chi phí test hơi thở tìm HP dao động khoảng 400.000 – 1.000.000 đồng cho mỗi lần thực hiện. Sự chênh lệch này chủ yếu là do loại thuốc mà người bệnh sử dụng và cơ sở y tế. Trong đó, thuốc C14 có giá thành rẻ hơn C13.
Test Hp dạ dày qua xét nghiệm kháng thể trong máu
Ở người bệnh nhiễm HP, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại, bao gồm HP – IgG và HP – IgM. Những kháng thể này tồn tại trong máu. Vậy nên, xét nghiệm máu có thể chứng minh được sự tồn tại của vi khuẩn HP trong cơ thể.
Quá trình thực hiện xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP được thực hiện như sau:
- Nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của người bệnh.
- Mẫu máu này được bảo quản trong ống nghiệm và đưa đi thực hiện xét nghiệm tìm kháng thể kháng HP.
- Người bệnh nghỉ ngơi và đợi thông báo kết quả.
Xét nghiệm máu tìm HP được xếp vào nhóm thủ thuật xâm lấn. Ưu – nhược điểm của phương pháp này như sau:
Ưu điểm:
- Độ đặc hiệu cao, có thể lên đến 99%.
- Dễ thực hiện, không đòi hỏi thiết bị hiện đại nên có thể áp dụng rộng rãi.
- Quá trình lấy mẫu ít gây khó chịu, có thể áp dụng cho tất cả người bệnh.
- Chi phí tương đối rẻ.
Nhược điểm:
- Dễ gây dương tính giả do kháng thể kháng HP có thể tồn tại trong máu khoảng 4 – 6 tháng ngay cả khi vi khuẩn đã được tiêu diệt.
- Không cung cấp dữ liệu về tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
- Tăng kết quả âm tính giả trong các trường hợp sử dụng kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton và achlorhydria.
Chi phí:
Chi phí test HP dạ dày qua xét nghiệm kháng thể trong máu dao động khoảng 150.000 – 250.000 đồng. Đây là mức giá rẻ nhất trong các phương pháp test HP hiện nay.
Test Hp dạ dày qua kháng nguyên trong phân
Khi có vi khuẩn HP sống trong dạ dày, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra kháng nguyên để chống lại. Một phần kháng nguyên này sẽ được đào thải qua phân. Việc thực hiện xét nghiệm phản ứng miễn dịch huỳnh quang với mẫu phân của người bệnh giúp tìm được kháng nguyên của vi khuẩn HP, qua đó xác định sự tồn tại của chúng.
Với xét nghiệm này, người bệnh cần tự lấy mẫu phân cho vào ống nghiệm được đơn vị xét nghiệm cung cấp. Trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu, mẫu phân sẽ được đưa đi thực hiện xét nghiệm. Thời gian thực hiện xét nghiệm thường mất khoảng 90 phút.
Test Hp dạ dày qua xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân được xếp vào nhóm thủ thuật không xâm lấn. Ưu – nhược điểm của phương pháp này như sau:
Ưu điểm:
- Độ nhạy và độ đặc hiệu cao (>95%).
- Quá trình lấy mẫu ít gây khó chịu, có thể áp dụng với hầu hết người bệnh.
- Người bệnh có thể tự lấy mẫu tại nhà và gửi đến đơn vị xét nghiệm nếu không có thời gian thăm khám.
- Không đòi hỏi kỹ thuật cao và thiết bị hiện đại nên có thể áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế.
- Chi phí tương đối rẻ.
Nhược điểm:
- Kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: xuất huyết tiêu hoá, sử dụng kháng sinh, dùng thuốc ức chế bơm proton.
- Không thu được dữ liệu về tình trạng kháng kháng sinh.
- Mất nhiều thời gian nên ít được dùng để sàng lọc nhiễm HP mà chủ yếu dùng trong đánh giá hiệu quả điều trị ở bệnh nhân đã nhiễm khuẩn.
- Cần thực hiện xét nghiệm trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu để tránh sai lệch kết quả.
Chi phí:
Test HP dạ dày qua kháng nguyên trong phân là phương pháp có chi phí rẻ, dao động khoảng 150.000 – 300.000 đồng cho một lần xét nghiệm.
Ai nên thực hiện test HP dạ dày?
Thống kê cho thấy, có khoảng 50 – 70% dân số Việt Nam nhiễm HP. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều phải thực hiện kiểm tra này. Những trường hợp thường được chỉ định test HP bao gồm:
- Người bệnh viêm loét dạ dày phức tạp, tái phát nhiều lần, các triệu chứng dai dẳng khó dứt hoặc tiến triển nặng bất thường.
- Người có tiền sử điều trị hoặc trong gia đình từng có người bị ung thư dạ dày.
- Người viêm loét dạ dày bị thiếu máu hoặc thiếu sắt không rõ nguyên nhân hoặc bị xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Người bệnh phải sử dụng các loại thuốc chống viêm thuộc nhóm NSAIDs trong thời gian dài.
Test Hp dạ dày ở đâu uy tín?
Để chọn được xét nghiệm phù hợp với tình trạng của mình và hạn chế tối đa kết quả sai lệch, người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi. Dưới đây là một số địa chỉ gợi ý để người bệnh tham khảo:
Bệnh viện Việt Đức
- Địa chỉ: Số 4, đường Tràng Thi, phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Hotline: (024) 3825 3531.
- Thời gian làm việc: 7h00 – 12h00 sáng và 13h30 – 16h00, từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.
Bệnh viện Quân đội 108
- Địa chỉ: Số 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Hotline: 0967 751 616.
- Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ tại: Số 78 Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội.
- Hotline: (024) 3869 3731.
- Thời gian làm việc: 6h30 – 12h00, 13h30 – 18h00, từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần.
Bệnh viện Nhân dân 115
- Địa chỉ tại: Số 527 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hotline: 028) 3865 4249.
- Thời gian làm việc: 6h30 – 11h30, 13h00 – 16h00, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Bệnh viện Đại học Y Dược T.P HCM
- Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng, phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hotline: (028) 3855 4269.
- Thời gian làm việc: 6h30 – 16h30, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Bệnh viện Chợ Rẫy
- Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hotline: (028)38554137.
- Thời gian làm việc: 7h00 – 16h00, từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 chỉ khám bệnh buổi sáng.
☛ Tham khảo thêm tại: Điều trị Hp dạ dày theo phác đồ của Bộ Y tế
Trên đây là nội dung về những phương pháp Test Hp dạ dày. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, bạn có thể để lại câu hỏi hoặc liên hệ trực tiếp đến hotline: 1800 6626 để được chuyên gia hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5987299/
- https://bvnguyentriphuong.com.vn/xet-nghiem/test-vi-khuan-hp-bang-phuong-phap-nao-tot-nhat