Nếu bạn bị ợ hơi thường xuyên ngay cả khi không ăn uống bất cứ thứ gì thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Bởi theo nghiên cứu, hay ợ hơi có thể là dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh dạ dày rất nguy hiểm.
Nội dung bài viết
1. Ợ hơi là gì?
Ợ hơi là một phản xạ của cơ thể khi cơ hoành dồn lên phía trên sẽ tạo lực ép lên dạ dày. Lực ép này làm thay đổi đột ngột áp suất trong dạ dày khiến cơ môn vị và cơ thắt thực quản dưới mở ra và toàn bộ hơi trong dạ dày sẽ được đẩy ra ngoài theo đường miệng.
1.1. Ợ hơi sinh lý
Ợ hơi sinh lý là một phản xạ của cơ thể chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học. Thông thường, ợ hơi sinh lý xuất hiện khoảng 6-20 lần/ngày.
Ợ hơi sinh lý thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng kết thúc và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, khi bị ợ hơi sinh lý người bệnh cũng không gặp phải các triệu chứng khó chịu khác.
1.2. Ợ hơi bệnh lý
Ợ hơi bệnh lý thường xuất hiện ở những người mắc bệnh dạ dày. Các cơn ợ hơi xuất hiện rất bất chợt và có thể kéo dài cả ngày liền không dứt, số lần ợ hơi nhiều hơn 30 lần/ngày. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi, mất tập trung, ảnh hưởng đến năng suất làm việc cũng như sinh hoạt đời thường.
Ợ hơi bệnh lý sẽ không tự hết mà bắt buộc người bệnh phải có biện pháp hỗ trợ và điều trị dứt điểm các bệnh lý gây ra nó.
2. Nguyên nhân ợ hơi thường xuyên
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ợ hơi thường xuyên bao gồm:
2.1. Do thói quen ăn uống, sinh hoạt
Như đã đề cập phía trên, chế độ ăn uống sinh hoạt là nguyên nhân chính gây ra các trường hợp ợ hơi sinh lý ở người bệnh. Và thói quen này diễn ra liên tục trong thời gian dài cũng có thể gây ra các bệnh lý dạ dày. Lúc này, nó trở thành tình trạng ợ hơi bệnh lý.
Các thói quen không tốt gây ra tình trạng ợ hơi thường xuyên gồm:
- Thường xuyên sai giờ giấc, ăn quá muộn hoặc bỏ bữa
- Sử dụng quá nhiều các chế phẩm thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê, thuốc lá…
- Ăn quá nhiều các thực phẩm không tốt cho quá trình tiêu hóa của dạ dày như thực phẩm chứa gia vị cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ uống công nghiệp, thức ăn nhanh….
- Thức khuya quá nhiều
- Làm việc quá sức và thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.
2.2. Do bệnh lý dạ dày
Theo các nghiên cứu, đa số các trường hợp bị ợ hơi thường xuyên và kéo dài liên tục trong nhiều ngày đều có nguyên nhân từ các bệnh lý về dạ dày.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày là bệnh lý phổ biến nhất hiện nay. Có 3 yếu tố chính khiến người trào ngược dạ dày thực quản dễ bị ợ hơi bao gồm:
- Dạ dày tăng tiết acid bất thường: Làm ảnh hưởng đến thời gian tiêu hóa thức ăn, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày sinh khí làm tăng áp suất trong dạ dày
- Cơ thắt thực quản dưới bị suy giảm: Khiến cho khí và dịch dạ dày dễ bị trào ngược lên phía trên khi có tác động.
- Rối loạn nhu động co bóp dạ dày: Tạo ra những nhu động ngược chiều tiêu hóa, trực tiếp đẩy các chất trong dạ dày trào ngược lên phía trên.
Các trường hợp bị ợ hơi do trào ngược thực quản, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khó chịu khác như ợ chơi tiêu chảy, ợ chua, nôn, buồn nôn, khó nuốt, nuốt vướng….
Liệt dạ dày
Liệt dạ dày là bệnh lý mà trong đó hoạt động co bóp tiêu hóa thức ăn của dạ dày bị giảm hoặc ngưng trệ. Chính vì điều này mà thức ăn sẽ bị ứ đọng tại dạ dày trong thời gian dài hơn, bị lên men sinh hơi khí và gây nên hiện tượng ợ hơi. Thức ăn có thể tồn đọng lâu trong dạ dày dẫn đến bị phân hủy nên hơi ợ ra sẽ có mùi khó chịu.
Viêm dạ dày
Bệnh lý viêm dạ dày được xác định khi trên niêm mạc dạ dày xuất hiện các tổn thương có kích thước nhỏ và không quá sâu như các vết trợt niêm mạc, các vết phù nề, xung huyết hay các ổ viêm có kích thước không quá 0,5cm.
Viêm loét dạ dày tá tràng
Cơ chế gây ợ hơi ở người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng tương tự như trường hợp viêm dạ dày. Tuy nhiên, ở bệnh lý này, các ổ tổn thương rộng và sâu hơn khiến cho các triệu chứng xuất hiện rõ ràng và nguy cơ biến chứng như thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày… dễ dàng xảy ra hơn. Đây cũng chính là điều mà người bệnh viêm loét dạ dày cần lo lắng.
Vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn duy nhất có thể tồn tại và phát triển trong môi trường acid của dạ dày. Các vi khuẩn này phân hủy lớp chất nhầy, sinh khí CO2. Bên cạnh đó, vi khuẩn HP cũng gây tổn thương niêm mạc dạ dày và gây ra bệnh lý viêm, loét dạ dày.
Chứng khó tiêu
Chứng khó tiêu là biểu hiện cho thấy thức ăn trong dạ dày đang không được tiêu hóa hết và ứ đọng trong dạ dày. Tình trạng này khiến lượng khí và hơi trong dạ dày bị sinh ra nhiều hơn dẫn đến người bệnh bị ợ thường xuyên trong thời gian dài.
3. Cách xử lý chứng ợ hơi thường xuyên
3.1 Áp dụng mẹo chữa ợ chơi đơn giản tại nhà
Bạn có thể áp dụng một số mẹo sau để chứng ợ hơi được giải quyết tức thì:
Uống 1 tách trà gừng nóng
Trà gừng là một trong những loại trà thảo mộc hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Ngoài ra, gừng còn là vị được liệu có khả năng điều hòa khí huyết trong cơ thể, ngăn chặn tình trạng khi thoát ngược lên phía trên gây ra triệu chứng ợ hơi
Ăn 1 hũ sữa chua sau khi ăn cơm
Ăn sữa chua sau khi ăn giúp bổ sung các loại men vi sinh hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi. Thức ăn được tiêu hóa hết sẽ ngăn chặn tình trạng ợ hơi thường xuyên
Uống trà hoa cúc
Trà hòa cúc có tác dụng làm dịu thần kinh, giảm sự co thắt quá mức của dạ dày đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, ngăn chặn tình trạng ợ hơi. Bạn có thể uống trà hoa cúc như nước uống hàng ngày.
Ăn đu đủ chín
Một miếng đu đủ chín sau bữa ăn 30 phút sẽ bổ sung enzyme tiêu hóa và hỗ trợ quá trình phân giải, tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Thức ăn được phân giải hết sẽ ngăn chặn tình trạng ợ hơi thường xuyên hiệu quả.
3.2. Ăn những thực phẩm nên ăn
Chế độ ăn uống góp phần đến 40% trong hiệu quả điều trị bệnh lý dạ dày. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đang có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những món ăn tốt cho người trào ngược bao gồm:
Bánh mì khô và bột yến mạch
Hai thực phẩm này giúp hấp thu acid dư thừa trong dạ dày rất tốt nên người bệnh có thể sử dụng như một bữa ăn phụ hàng ngày. Khi sử dụng hai thực phẩm này, người bệnh cần kiểm soát lượng gia vị và các đồ ăn kèm, tránh ăn quá mặn, quá ngọt hoặc quá nhiều dầu mỡ sẽ gây ra tác động ngược lại
Các loại đậu đỗ
Đây là một nguồn bổ sung protein thực vật rất hiệu quả. Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đỏ,…còn chứa hàm lượng lớn các chất xơ và các acid amin tốt cho người trào ngược. Ngoài ra, thường xuyên ăn các loại đậu, đỗ cũng hạn chế được tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Đạm dễ tiêu
Chế độ ăn của bạn không thể thiếu được nguồn thực phẩm bổ sung Vitamin. Tuy nhiên, hãy lựa chọn nguồn thực phẩm một cách thông thái. Khi bị đầy bụng, ợ hơi thường xuyên, trào ngược dạ dày, bạn nên lựa chọn nguồn đạm dễ tiêu từ thực vật hoặc các loại thịt trắng như ức gà, các loại cá nạc, thịt ngan, thịt lợn….
3.3. Tránh các thực phẩm có hại
Các loại thực phẩm dưới đây có thể khiến tình trạng ợ hơi thường xuyên hoặc trào ngược dạ dày của bạn trở nên tồi tệ hơn, bao gồm:
Thực phẩm có tính acid
Biểu hiện của nhóm thực phẩm này là vị chua. Các thực phẩm có vị chua nhiều cần được loại bỏ ra khỏi danh sách ăn uống của người bệnh, bao gồm:
- Các loại hoa quả có vị chua nhiều: cam, chanh, xoài chua, dấm…
- Các loại đồ muối: dưa muối, cà muối, hành muối….
- Các loại giấm: giấm tỏi, giấm ớt, giấm gạo…..
Thực phẩm, chế phẩm chứa chất kích thích
Nhóm này kích thích dạ dày tăng tiết acid khiến cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn:
- Đồ uống chứa cồn(rượu, bia, cocktail…)
- Đồ uống có gas (Coca, pepsi…)
- Các loại nước ngọt công nghiệp
- Đồ uống kích thích thần kinh( cà phê, thuốc lá,… )
Thực phẩm kích thích dạ dày
Điển hình là các món ăn chứa quá nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, tỏi… Các món ăn này tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày làm tăng tiết dịch vị đồng thời làm giãn mở cơ thắt thực quản dưới khiến các triệu chứng trào ngược, trong đó có ợ hơi trở nên trầm trọng.
Thức ăn có hàm lượng đạm cao
Nhóm này thường gây khó tiêu và không tốt cho dạ dày, đặc biệt là khi chức năng của dạ dày đang bị suy giảm. Nhóm này gồm:
- Các loại thịt đỏ: Thịt bê, thịt cừu, thịt bò, thịt vịt…
- Các loại đồ ăn hải sản: Tôm, cua, nghêu, sò…
4. Cách chữa dứt điểm hiện tượng ợ hơi thường xuyên
4.1. Loại bỏ nguyên nhân gây ợ hơi
Ngoài việc áp dụng các mẹo để khắc phục ngay hiện tượng ợ hơi thường xuyên và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống, người bệnh cần có những phác đồ điều trị bệnh rõ ràng để điều trị dứt điểm các bệnh lý gây nên. Đây cũng là cách duy nhất để chứng ợ hơi không quay trở lại trong tương lai và làm phiền bạn.
4.2. Đi khám để biết rõ bệnh và mức độ bệnh
Việc thăm khám cần tiến hành ngay trước khi điều trị để xác định rõ ràng nguyên nhân gây ợ hơi cũng như áp dụng các phác đồ điều trị chuẩn. Điều này giúp bạn định hướng được con đường điều trị ngay từ đầu, tránh mất thời gian vào những phương pháp không cần thiết gây tốn thời gian, thiệt hại về kinh tế mà không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong suốt thời gian điều trị, cần tuân thủ thời gian tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát được diễn tiến của bệnh và có điều chỉnh phù hợp trong phác đồ điều trị, tránh để bệnh tiến triển nặng mà không điều chỉnh kịp.
4.3. Tuân thủ phác đồ điều trị, lời khuyên từ bác sĩ
Việc điều trị của người bệnh cần đảm bảo tuân thủ đúng các phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, bao gồm:
- Thời gian điều trị: Không tự ý bỏ dở liệu trình khi điều trị. Việc làm này có thể khiến bệnh tái phát nhanh hơn và khó điều trị, kiểm soát trong những lần sau
- Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc: Không tự ý tăng – giảm liều hoặc đổi thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc cũng cần uống đúng giờ được hướng dẫn để đảm bảo hiệu quả của thuốc khi sử dụng.
- Cách sử dụng thuốc: Mỗi loại thuốc có cách sử dụng khác nhau có thể uống trực tiếp, tiêm, bôi…. Hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn đã thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn hãy xem thêm:
Chứng ợ hơi thường xuyên sẽ không còn làm bạn khó chịu, bứt rứt khi được chữa trị dứt điểm và kịp thời. Chỉ một vài bất thường nhỏ thôi cũng là dấu hiệu cảnh báo của cơ thể, vì vậy bạn đừng chủ quan và nên đi khám bác sĩ ngay nhé.