Người bị viêm loét dạ dày có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao gấp 3 – 6 lần khi test HP dương tính. Điều này khiến không ít người bệnh có tâm lý lo lắng, sợ hãi và cố gắng tìm mọi cách để “tránh né” loại vi khuẩn này. Vậy, vi khuẩn HP có lây không và làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm? Nội dung dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Nội dung bài viết
Vi khuẩn Hp có lây không?
Vi khuẩn HP có tên khoa học đầy đủ là Helicobacter Pylori, là loại vi khuẩn duy nhất có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường dạ dày. Để làm được điều này, Helicobacter Pylori tiết ra enzyme urease có tác dụng phân huỷ lớp chất nhầy, trung hòa acid dạ dày. Ngoài ra, nội độc tố do vi khuẩn HP tiết gây thoái hoá tế bào biểu mô trên niêm mạc.
Vi khuẩn HP là một trong những tác nhân chính gây viêm loét dạ dày và liên quan đến khoảng 90% các trường hợp ung thư biểu mô dạ dày. Trong cơ thể người, vi khuẩn HP được tìm thấy trong khoang miệng (cao răng, nước bọt), xoang, dạ dày và phân. Vì vậy, vi khuẩn HP có thể được người bệnh phát tán ra môi trường và lây nhiễm cho cộng đồng.
Vi khuẩn hp dạ dày lây qua đường nào?
Vi khuẩn Hp có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người theo 2 phương thức chính là lây truyền dọc (lây nhiễm từ thế hệ trước sang thế hệ sau trong một gia đình) và lây truyền ngang (lây nhiễm do tiếp xúc với cá nhân ngoài gia đình hoặc ô nhiễm môi trường). Trong đó, có 4 con đường lây nhiễm chủ đạo gồm:
Miệng – miệng
Vi khuẩn HP được tìm thấy trong khoang miệng, nước bọt và cao răng của người bệnh. Ngoài ra, các nghiên cứu đã phân lập vi khuẩn HP từ dịch nôn của người bệnh. Vì vậy, khi tiếp xúc với nước bọt hay dịch tiết tiêu hoá của người bệnh, bạn có thể bị lây nhiễm vi khuẩn HP.
Một số thói quen sau có thể khiến bạn bị lây nhiễm HP:
- Dùng chung đồ dùng cá nhân như: bàn chải đánh răng, bát, đũa,…
- Hôn môi hoặc nói chuyện với người bệnh ở khoảng cách gần.
- Thói quen nhai mớm thức ăn cho trẻ nhỏ.
- Dùng chung các thiết bị thăm khám nha khoa với người bệnh.
Nhiều dữ liệu nghiên cứu cho thấy nước bọt có thể là một con đường nhưng không phải là phương thức lây truyền chính của vi khuẩn HP. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy chủng HP giữa đối tượng mẹ và con khác nhau dù thường xuyên tiếp xúc gần. Tuy nhiên, các chủng HP lại giống nhau khi nghiên cứu trên các cặp vợ chồng.
Miệng – phân
DNA của vi khuẩn HP được tìm thấy trong phân của người bệnh. Mặc dù tồn tại ở trạng thái không hoạt động (cầu khuẩn – coccoid) nhưng vi khuẩn HP vẫn có thể lây nhiễm và gây bệnh. Phương thức lây nhiễm trong trường hợp này thường thông qua:
- Con vật trung gian như: ruồi, gián, chuột,… tiếp xúc với phân của người bệnh và phát tán ra môi trường.
- Người bệnh không rửa tay sau khi đi vệ sinh khiến vi khuẩn bám vào tay và dính sang các vật dụng của người khác.
- Sử dụng phân tươi chứa vi khuẩn đến bón rau kết hợp cùng thói quen ăn đồ tái, sống khiến người ăn bị lây nhiễm.
- Người bệnh đi vệ sinh không đúng nơi quy định làm phát tán vi khuẩn xuống sông, hồ, đất dẫn đến lây lan ra cộng đồng.
Một số nghiên cứu cho thấy, người sử dụng nguồn nước ngoài tự nhiên hoặc những người thường xuyên ăn rau sống được tưới bằng nước thải chưa qua xử lý có tỷ lệ nhiễm HP cao hơn. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đề cập đến vai trò của các loại thực phẩm (chủ yếu là sữa, thịt và rau quả) trong việc lây truyền vi khuẩn HP.
Dạ dày – miệng
Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ dạ dày lên miệng của người bệnh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn thoát ra ngoài và lây nhiễm cho cộng đồng. Con đường lây lan này được thúc đẩy bởi các triệu chứng như: ợ chua, ợ hơi, trào ngược và nôn.
Tỷ lệ lây nhiễm vi khuẩn HP theo con đường dạ dày – miệng không cao. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần kiểm soát tốt các triệu chứng để hạn chế tình trạng này.
Dạ dày – dạ dày
Dạ dày – dạ dày là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP từ dạ dày của người bệnh sang người lành. Tình trạng này xảy ra khi sử dụng chung dụng cụ nội soi dạ dày chưa được xử lý vệ sinh, khử trùng đúng tiêu chuẩn. Khi đó, vi khuẩn vẫn tồn tại trên bề mặt thiết bị và lây nhiễm cho người khác trong quá trình thăm khám.
Ai dễ bị lây nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày?
Bất kỳ ai cũng có thể bị lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc hoặc chung sống với người mang vi khuẩn. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao phải kể đến:
- Người có thói quen ăn đồ tái, sống, đồ nấu chưa chín kỹ.
- Người thường xuyên ăn đồ ăn ngoài vỉa hè hay các quán ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Người có thành viên trong gia đình nhiễm HP.
- Người sống trong môi trường sinh hoạt chung như: quân đội, ký túc xá sinh viên, đội nhóm thợ xây,…
- Người có thói quen thăm khám sức khỏe ở những địa chỉ thiếu uy tín.
- Trẻ nhỏ được nhai mớm thức ăn hoặc thường xuyên bị hôn môi.
☛ Tham khảo thêm tại: 7 biểu hiện đau dạ dày HP chính xác!
Cách xác định mình đã bị lây nhiễm Hp hay chưa?
Test HP là cách giúp bạn xác định đã bị lây nhiễm HP hay chưa. Tuỳ vào tình trạng của từng người bệnh và điều kiện của cơ sở y tế mà người bệnh có thể được chỉ định một trong số những phương pháp sau:
Test HP qua nội soi
Bác sĩ sẽ lấy mảnh sinh thiết quanh vị trí bị tổn thương trong khi nội soi dạ dày. Mẫu sinh thiết này sẽ được đi test urease nhanh hoặc nuôi cấy vi khuẩn để cho ra kết quả. Với phương pháp này, bác sĩ có thể đồng thời khảo sát tổn thương trên niêm mạc và chẩn đoán tình trạng nhiễm HP dạ dày, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Test HP bằng hơi thở Ure
Test HP bằng hơi thở Ure được thực hiện bằng cách thu hơi thở của người bệnh trước và sau khi uống thuốc C13 hoặc C14. Sau khi định lượng nồng độ CO2 trong các mẫu thở, bác sĩ có thể xác định được tình trạng nhiễm HP của người bệnh.
Phương pháp này dễ thực hiện, không gây khó chịu trong quá trình lấy mẫu nên rất phù hợp với đối tượng là trẻ em và người cao tuổi. Người đã được chẩn đoán dương tính HP dạ dày cũng thường được chỉ định cách này để đánh giá lại hiệu quả điều trị.
Test HP bằng xét nghiệm phân
Vi khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh. Do đó, thực hiện phản ứng miễn dịch huỳnh quang có thể xác định được bạn có đang nhiễm HP hay không. Ưu điểm của phương pháp này là người bệnh cũng có thể lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, mẫu phân cần được xét nghiệm trong vòng 30 phút và thời gian chờ đợi kết quả khá lâu.
Test HP qua xét nghiệm máu
Cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể đặc hiệu khi cơ thể bị nhiễm HP. Những kháng thể này lưu hành trong máu nên thực hiện xét nghiệm máu có thể xác định được sự tồn tại của vi khuẩn HP. Ưu điểm của phương pháp này là lấy mẫu dễ dàng, có thể thực hiện với tất cả đối tượng người bệnh.
Tuy nhiên, điểm yếu của test HP qua xét nghiệm máu là tỷ lệ dương tính giả cao, đặc biệt là ở những người đã điều trị HP. Nguyên nhân là do kháng thể kháng HP vẫn tồn tại trong máu khoảng 4 – 6 tháng ngay cả khi loại khuẩn này đã bị tiêu diệt.
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Test Hp dạ dày chi phí, địa chỉ thực hiện!
Cách phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Hp hiệu quả!
Vi khuẩn HP có khả năng lây lan mạnh mẽ. Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm HP tại Việt Nam lên đến khoảng 70%. Do đó, tất cả mọi người đều cần nghiêm túc trong việc phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:
- Xây dựng và duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ưu tiên dùng những loại xà phòng có tính diệt khuẩn.
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải, bát, đũa, thìa,…. với người khác.
- Thường xuyên vệ sinh không gian sống nhằm hạn chế sự tồn tại của vi khuẩn HP.
- Diệt côn trùng như: ruồi, chuột, gián,… nhằm loại bỏ nguồn trung gian lây bệnh.
- Hạn chế ăn uống tại những hàng quán vỉa hè, địa điểm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Hạn chế ăn các loại thức ăn tái, sống, chưa nấu chín kỹ.
- Tránh sử dụng nguồn nước không đảm bảo hay những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
- Không nhai mớm đồ ăn cho trẻ nhỏ.
- Lựa chọn những cơ sở thăm khám sức khỏe uy tín.
- Đi vệ sinh đúng nơi quy định, không phóng uế bừa bãi.
- Không sử dụng phân tươi để bón cây, đặc biệt là các loại rau dùng làm thực phẩm.
Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP rất đa dạng nên việc phòng ngừa là không dễ dàng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh bị lây nhiễm nếu nghiêm túc tuân thủ các biện pháp đã được đề cập. Nếu bạn cần tư vấn thêm những vấn đề xoay quanh vi khuẩn HP, hãy để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1800 6626.
Tài liệu tham khảo:
- https://bvnguyentriphuong.com.vn/benh-truyen-nhiem/vi-khuan-h-pylori-la-gi-con-duong-lay-nhiem-va-phong-benh
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6502203/