Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay còn gọi là trào ngược axit là một vấn đề lâm sàng phổ biến. Nó không chỉ gây khó chịu mà còn có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trào ngược dạ dày thực quản cách chữa như thế nào là an toàn và hiệu quả? 5 cách sau đây sẽ là những gợi ý thiết thực dành cho bạn.
Nội dung bài viết
1. Bệnh trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hoặc thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Trước khi tìm hiểu về trào ngược dạ dày và cách chữa như thế nào, bạn phải nắm rõ được nguyên nhân, triệu chứng của căn bệnh này.
Người bệnh thường gặp các triệu chứng
- Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua
- Đau tức ngực
- Nôn mửa
- Khó thở
- Khó nuốt và đắng miệng.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày
- Dịch vị dạ dày (acid, HCl, pepsin) tăng tiết bất thường
- Sự yếu đi của cơ vòng thực quản dưới (sử dụng thuốc Tây, cafein, thuốc lá, thức ăn dầu mỡ…)
- Ứ đọng thức ăn trong dạ dày lên men, sinh khí (thường xuyên ăn do, bệnh dạ dày…)
- Thoát vị hoành
- Căng thẳng, áp lực, sử dụng chất kích thích, do ăn quá no vào ban đêm…cũng khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Mức độ trào ngược dạ dày từ nhẹ đến nặng
- Mức độ 0: Xuất hiện các triệu chứng điển hình như ợ nóng, vướng họng.
- Mức độ A: Kèm theo các triệu chứng ợ chua, nóng rát cổ họng.
- Mức độ B: Người bệnh sẽ cảm thấy đau rát khi nuốt.
- Mức độ C: Giai đoạn Barrett thực quản với các triệu chứng phổ biến là ợ nóng, đau tức, phân đen, nôn máu tươi.
- Mức độ D: Viêm loét sâu, sẹo thực quản và nguy hiểm nhất là có thể biến chứng thành ung thư thực quản.
Nếu chủ quan và không chữa trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường bao gồm:
- Viêm loét dạ dày
- Chảy máu thực quản
- Hẹp thực quản
- Viêm đường hô hấp,
- Barrett thực quản
- Ung thư thực quản.
Vì vậy ngay khi thấy triệu chứng bị trào ngược, người bệnh hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời để tránh được các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
2. Trào ngược dạ dày chữa thế nào ?
Trào ngược dạ dày tùy thuộc vào mức độ, tình trạng bệnh mà có thể áp dụng phương pháp điều trị bệnh khác nhau theo Đông y hoặc theo Tây y. Nếu trường hợp nhẹ có thể không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thay đổi cách ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
2.1. Chữa bằng thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt
Nguyên lý của biện pháp này là giảm nguyên nhân gây bệnh, giảm tần suất trào ngược từ đó phòng ngừa bệnh tái phát. Người bệnh nên thực hiện những điều sau.
Thực phẩm nên bổ sung
- Những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, tính mát như rau xanh, các loại thịt nạc có màu trắng như thịt gà, thịt vịt, hoa quả tươi.
- Các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như hạt lanh, hạt óc chó, hạt điều, hạt mắc ca…
- Đồng thời bổ sung thêm lòng trắng trứng, bột yến mạch, bánh mì để giảm bớt acid dạ dày dư thừa, hạn chế triệu chứng trào ngược xuất hiện.
Thực phẩm nên tránh
- Tránh hoặc hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều axit, thức ăn cay nóng, thức ăn chứa nhiều muối hoặc chứa nhiều đường, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo là điều cần thiết để dạ dày khỏe mạnh, giảm trào ngược.
- Người bệnh tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, đồ uống có ga. Bởi những loại đồ uống này làm giảm tiết dịch nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết axit – là nguyên nhân khiến trào ngược trở nên trầm trọng hơn.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Nên nâng cao đầu giường hoặc kê gối cao hơn khi ngủ để giảm ợ nóng.
- Không nên đi nằm ngay sau khi ăn mà tốt nhất chỉ nên nằm sau khi ăn 3 tiếng.
- Nên ăn chậm rãi, nhai kỹ.
- Không nên mặc quần áo bó sát bởi quần áo chật sẽ gây áp lực đến bụng và cơ thắt thực quản.
2.2 Khắc phục trào ngược dạ dày bằng Tây y
Các loại thuốc Tây sẽ có thể gây các tác dụng phụ nên bạn cần phải tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng.
2.2.1. Chữa bằng thuốc Tây
Nguyên lý chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc Tây là giảm tiết dịch vị dạ dày với phương pháp ức chế bơm proton, kháng axit, trung hòa axit dịch vị. Bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc phù hợp tùy theo mức độ trào ngược của người bệnh, có thể kể tên như:
- Thuốc kháng axit, trung hòa axit dạ dày như Mylanta, Rolaids và Tums
- Thuốc ức chế bơm proton như lansoprazole (Prevacid 24 HR) và omeprazole (Prilosec OTC, Zegerid OTC).
*Lưu ý: Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng khi chưa có sự chỉ định của bác sỹ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
2.2.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được xem là phương pháp cuối cùng để điều trị trào ngược dạ dày khi những phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp:
- Người bị trào ngược dạ dày mãn tính, từ cấp độ C trở đến.
- Người bệnh điều trị bằng thuốc trên 6 tháng nhưng không có tiến triển tốt.
- Người bị dị ứng với thuốc điều trị trào ngược gây ra các tác dụng phụ như chảy máu dạ dày, khó nuốt…
Tuy vậy, một số đối tượng không nên phẫu thuật đó là:
- Người bệnh có thể trạng yếu, khả năng đáp ứng phẫu thuật thấp.
- Người bị mắc các bệnh lý khác cùng lúc.
- Người bị ung thư thực quản.
Một số phương pháp phẫu thuật trào ngược dạ dày hiện nay là phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản Fundoplication, phẫu thuật nội soi xuyên miệng TIF, thủ thuật Stretta, phương pháp khâu nội soi – hệ thống Bard EndoCinch, phẫu thuật để tăng cường cơ vòng thực quản dưới Linx.
Với phương pháp này người bệnh sẽ không còn phải sử dụng thuốc để điều trị. Tuy nhiên chi phí tương đối cao, thời gian hồi phục lâu (thường là cần 6 tháng để hồi phục) và có thể gặp phải một số biến chứng như hẹp thực quản do van thắt quá chất, viêm phúc mạc dạ dày…
2.3. Trào ngược dạ dày cách chữa bằng Đông y
Ngoài phương pháp chữa trào ngược dạ dày bằng Tây y thì Đông y cũng có nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu quả lâu dài, an toàn và được nhiều người áp dụng.
2.3.1. Các bài thuốc Đông y
Bài thuốc chữa trào ngược dạ dày do ăn uống không điều độ: Trong trường hợp này, người bệnh thường có cảm giác đau bụng, các triệu chứng khác kèm theo như ợ hơi, buồn nôn, đầy bụng, khó chịu.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Tía tô, biển đậu, hoài sơn, sâm đại hành, lá đắng, bạch truật, cây ngũ sắc mỗi vị 16g
- Xương bồ đương quy, lá lốt mỗi vị 12g
- Chỉ xác, trần bì mỗi vị 10g và sinh khung 4g
- Hoàng kỳ 15g
Cách sử dụng: Sắc thuốc uống 2 ngày, mỗi ngày 2 lần sau ăn trưa và ăn tối.
Bài thuốc chữa trào ngược dạ dày do can mộc khắc tỳ thổ quá mạnh: Triệu chứng của người bệnh trong trường hợp này là đau tức vùng thượng vị, ợ hơi, ợ nóng nhiều đi kèm cảm giác khó chịu, bực bội dẫn đến chán ăn, mất ngủ.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Tang diệp, mã đề, rau má mỗi vị 20g
- Hạ liên châu, hậu phác, bán hạ, trần bì mỗi vị 10g
- Hoài sơn, phòng sâm, củ đinh lăng, đương quy, bạch truật, cỏ mực, hắc táo nhân mỗi vị 16g
- Thục địa, bạch thược, cam thảo mỗi vị 12g và chỉ xác 8g.
Cách sử dụng:
- Rửa sạch nguyên liệu rồi sắc uống mỗi ngày 2 lần/2 ngày.
- Nên uống vào trước bữa ăn trưa và ăn tối.
Bài thuốc chữa trào ngược dạ dày do tâm lý căng thẳng, lo âu: Triệu chứng bệnh trào ngược do tâm lý là người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, đau rát thượng vị, kèm theo ợ nóng, ợ hơi, ợ chua cùng với cảm giác khó thở, chán ăn luôn thường trực.
Nguyên liệu chuẩn bị
- Thảo quyết minh, mẫu lệ chế, long nhãn, phòng sâm mỗi vị 16g
- Bạch biển đậu, bạch linh, trần bì, cam thảo mỗi vị 12g.
- Bán hạ, hậu phác mỗi vị 10g; chỉ xác 8g
- Hạt sen, hắc táo nhân mỗi vị 20g và đại táo 5 quả.
Cách sử dụng: Sắc trên lửa nhỏ, mỗi ngày uống 2 lần sau khi ăn trưa, tối, trong vòng 2 ngày.
Bài thuốc chữa trào ngược dạ dày do đau thượng vị: Người bệnh thường có cảm giác đau, căng tức ở vùng thượng vị (vùng bụng có ranh giới từ phía dưới xương ức đến rốn).
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Sa nhân 8g
- Hương phụ, ô dược mỗi vị 20g
- Diên hồ sách, cam thảo, trần bì mỗi vị 12g.
Cách sử dụng: Rửa sạch các nguyên liệu rồi cho vào nồi sắc với 1.5 lít nước. Đun nhỏ lửa cho đến khi cô lại còn khoảng 150ml thì tắt bếp. Chia số thuốc còn lại làm 4 phần uống thành 4 bữa trong ngày.
2.3.2. Xoa bóp bấm huyệt
Bấm huyệt, xoa bóp chữa trào ngược dạ dày là một trong những phương pháp tác động vào nhu động dạ dày và mang lại hiệu quả tích cực trong nhiều trường hợp. Người bệnh có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt một số vùng hoặc huyệt như
- Xoa bụng.
- Day huyệt trung quản.
- Huyệt tam túc lý (St36).
- Huyệt nội quan P6.
- Huyệt thái xung LV3.
- Huyệt trung quản CV12.
- Huyệt khí hải CV6.
- Huyệt công tôn Sp4.
- Huyệt B23 và B47.
- Huyệt G6.
2.4. Chữa trào ngược dạ dày bằng những mẹo từ thiên nhiên
Sử dụng gừng, nghệ, lô hội hay giấm táo… mang đến hiệu quả tích cực làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.
2.4.1. Gừng
Tác dụng của củ gừng: Gừng là một nguồn dược liệu tuyệt vời làm dịu nhanh chóng cơn ợ nóng và số lần trào ngược. Ngoài ra, gừng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, đưa nồng độ axit trong dạ dày về mức độ trung bình từ đó làm dạ dày khỏe mạnh hơn.
Cách thực hiện: 1 cốc trà gừng nóng hay thái lát gừng tươi sắc lấy nước uống 20 phút trước bữa ăn là cách sử dụng gừng hiệu quả.
2.4.2. Nghệ kết hợp mật ong
Tác dụng của nghệ, mật ong:
- Nghệ: Chứa hoạt chất Curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh sẽ có tác dụng làm giảm tiết acid dịch vị dạ dày nhờ phản ứng trung hòa axit HCl và tăng lượng chất nhầy dịch vị nhằm bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày tá tràng, ngăn ngừa viêm loét dạ dày.
- Mật ong: Có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm, hồi phục tổn thương niêm mạc dạ dày và giúp trung hòa axit dịch vị vô cùng hiệu quả. Sự kết hợp của 2 nguyên liệu nghệ và mật ong sẽ làm tăng hiệu quả điều trị trào ngược dạ dày.
Cách thực hiện: Người bệnh chỉ cần sử dụng 1 thìa nghệ, kết hợp 1 chút mật ong, trộn đều rồi ăn ngày một vài lần. Những triệu chứng trào ngược dạ dày sẽ thuyên giảm nhanh chóng.
2.4.3. Trào ngược dạ dày cách chữa bằng nước ép lô hội
Tác dụng của lô hội:
- Lô hội hay còn gọi là nha đam chứa rất nhiều vitamin như B1, B2, B5, B6, C, A, E cùng nhiều khoáng vi lượng như Ca, K, Na, … và axit amin.
- Các đặc tính chống viêm của lô hội có thể làm dịu thực quản bị kích thích và làm giảm các triệu chứng trào ngược axit, làm lành các vết loét.
- Đặc biệt, lô hội còn chứa hoạt chất glucomannan có khả năng cân bằng hệ tiêu hóa bị xáo trộn do trào ngược dạ dày gây ra.
Cách thực hiện: Có nhiều cách sử dụng lô hội để chữa trào ngược dạ dày khác nhau như uống nước lô hội, nấu chè lô hội, hoặc kết hợp lô hội và mật ong…
2.4.4. Giấm táo
Tác dụng của giấm táo: Giấm táo đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn đúng cách, giảm ứ đọng thức ăn trong dạ dày và từ đó ngăn ngừa trào ngược dạ dày xuất hiện.
Cách thực hiện: Lấy 15ml giấm táo hòa với 200ml nước lọc và uống trước khi ăn hoặc trước khi nằm 2-3 lần mỗi ngày.
3. Trào ngược dạ dày cách chữa nào hiệu quả nhất
Như vậy, trào ngược dạ dày sẽ có hướng xử lý, điều trị khác nhau tùy theo tình trạng bệnh. Để tìm ra cách chữa hiệu quả nhất bạn cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị thích hợp.
Trào ngược dạ dày cách chữa như thế nào đã được giải đáp trên đây. Người bệnh hãy chữa trị từ những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng kết hợp với thảo dược phù hợp. Khi dạ dày khỏe mạnh thì trào ngược dạ dày sẽ không còn làm phiền bạn.