Ợ chua khó tiêu là một triệu chứng rất phổ biến nhưng không phải ai cũng biết được nguyên nhân và phương pháp khắc phục chúng. Lưu lại ngay những mẹo cực hữu ích sau đây để “đánh bay” triệu chứng khó chịu này nhé.
1. Nguyên nhân bệnh ợ chua khó tiêu
Ợ chua là phản xạ ợ lên của cơ thể dưới lực ép của cơ hoành khiến cho hơi và dịch chứa trong dạ dày bị dồn lên trên miệng gây ra vị chua trong miệng.
Theo các nghiên cứu, khi vị chua kèm theo triệu chứng thé cổ, nóng rát ngực thì nguyên nhân đa phần là do trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Lượng acid dư thừa và thức ăn ứ đọng trong dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng khiến người bệnh có cảm giác chua miệng và nóng rát thực quản do niêm mạc bị tổn thương.
Tuy nhiên, khi triệu chứng ợ chua kết hợp với khó tiêu thì có thể có nhiều nguyên nhân hơn:
1.1 Căng thẳng, stress kéo dài
Căng thẳng, stress kéo dài khiến cho hệ thần kinh bị kích thích. Nhu động đường ruột bị rối loạn làm dịch dạ dày dễ dàng bị đẩy lên miệng trong khi thức ăn không được đưa xuống ruột để tiêu hóa tiếp. Hệ quả là người bệnh mắc phải chứng ợ chua khó tiêu.
1.2 Do hiện tượng loạn khuẩn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra loạn khuẩn ruột như lạm dung thuốc kháng sinh, ăn phải thức ăn mất vệ sinh, nhiễm khuẩn ruột…. Loạn khuẩn khiến cho khả năng phân giải và tiêu hóa thức ăn của đường ruột bị giảm sút gây ra triệu chứng đầy bụng ăn không tiêu. Khi thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày quá lâu sẽ bị lên men và tạo ra vị chua khi ợ lên miệng.
1.3 Sự rối loạn nhu động ruột
Nhu động ruột dạ dày bình thường là những đợt co bóp làn sóng đẩy thức ăn xuống dưới để tiêu hóa . Tuy nhiên, khi bị rối loạn, nhu động có thể hoạt động theo hướng ngược lại khiến thức ăn và dịch dạ dày bị đẩy ngược lên phía trên thực quản và miệng. Cũng bởi lý do này mà thức ăn tồn đọng tại dạ dày bị lên men, sinh hơi dẫn đến triệu chứng đầy bụng, ăn không tiêu.
1.4 Do thói quen sinh hoạt và ăn uống
Chế độ ăn uống thiếu khoa học làm suy giảm chức năng tiêu hóa của đường ruột. Lâu dần, bệnh lý dạ dày hình thành và gây ra triệu chứng ợ chua đầy bụng, ăn uống kém. Những thói quen đó là:
- Ăn quá nhanh, nhai không kỹ
- Ăn đêm thường xuyên
- Vừa nằm vừa ăn
- Ăn quá nhiều chất béo tinh bột
2. Chế độ ăn uống khi bị ợ chua khó tiêu
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày. Do đó, bạn nên bắt đầu điều chỉnh từ chế độ ăn của mình.
2.1 Thức ăn nên ăn
Nước chanh, gừng kết hợp mật ong
Nước chanh, gừng và mật ong giúp kiện tỳ kích thích tiêu hóa, điều hòa nhu động dạ dày. Sử dụng một tách nhỏ trà chanh, trà gừng mật ong sau bữa ăn khoảng 30 phút sẽ khắc phục triệu chứng ợ chua khó tiêu hiệu quả.
Dấm rượu táo
Giấm rượu táo chứa nhiều enzyme tốt cho tiêu hóa và cải thiện tình trạng ợ chua khó tiêu do loạn khuẩn ruột gây ra. Bạn chỉ cần lấy 2 thìa cà phê giấm táo pha cùng một cốc nước ấm, khuấy đều rồi uống sau bữa ăn khoảng 30 phút.
Đu đủ
Đu đủ chứa hàm lượng lớn enzyme tự nhiên hoạt tính giúp hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa một cách tuyệt vời. Một miếng đu đủ chín sau khi ăn khoảng 30 phút không chỉ giúp khắc phục tình trạng ợ chua khó tiêu mà còn giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn rất nhiều.
Nho
Nho là hoa quả có lượng đường thuộc top cao nhất. Lượng đường trong nho giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể đầy đủ mà không cần phải ăn quá nhiều. Tuy vậy, lượng đường quá cao có thể khiến dạ dày tăng tiết acid nhiều hơn mức cần thiết. Do vậy, hãy kiểm soát thật kỹ lưỡng nho mỗi lần ăn.
Dứa
Dứa là một trong những vị thuốc được sử dụng lâu đời để trị chứng khó tiêu đầy bụng. Trong dứa chứa một loại enzyme có tên là Bromelain có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn. Từ đó kiểm soát hiệu quả tình trạng ợ chua khó tiêu của bạn.
2.2 Thức ăn nên kiêng
Bên cạnh các thực phẩm tốt, bạn cũng nên tập thói quen loại bỏ các thực phẩm có hại cho hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Bao gồm:
Các loại thức ăn giàu tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột rất dễ bị lên men và mất nhiều năng lượng, thời gian để tiêu hóa. Do vậy, bạn không nên ăn quá nhiều thực phẩm nhóm này nếu không muốn chứng ợ chua khó tiêu trở nên trầm trọng hơn.
Bánh kẹo ngọt hoặc là hoa quả độ ngọt cao.
Thực phẩm có độ ngọt quá cao có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dạ dày, đe dọa hệ tiêu hóa phía dưới đồng thời cản trở hoạt động tiêu hóa. Vậy nên, các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao đều không thích hợp cho những người bị ợ chua khó tiêu.
Những loại nước ngọt, nước khoáng có gas hoặc bia rượu.
Những thức uống trên khi vào trong dạ dày sẽ bắt đầu giải phóng ra lượng lớn khí CO2. CO2 làm tăng cường cảm giác đầy chướng bụng và tạo áp lực lên cơ thắt thực quản dưới sinh ra phản xạ ợ hơi.
Các loại thực phẩm chứa mạch nha, đồ ăn có dấm hoặc các loại dưa muối, nấm, phô mai xanh…
Thức ăn lên men thường có tính acid nên không tốt cho người bị ợ chua khó tiêu. Vậy nên, các chuyên gia khuyến cáo người bị ợ chua khó tiêu không nên sử dụng các loại thực phẩm chứa mạch nha, đồ ăn có dấm hoặc các loại dưa muối, nấm, phô mai xanh…
3. Các mẹo chữa ợ chua khó tiêu đơn giản
Việc điều trị bệnh là cả một quá trình dài. Trong thời gian đó, nếu triệu chứng ợ chua khó tiêu xuất hiện liên tục khiến bạn khó chịu, hãy tham khảo các cách khắc phục nhanh dưới đây:
3.1 Gừng
Gừng là vị thuốc Đông y có tác dụng hành khí kiện tỳ, kích thích tiêu hóa. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng ợ hơi, ợ chua đầy bụng khó tiêu rất hiệu quả.
Cách sử dụng gừng cũng rất đơn giản, bạn có thể chế biến cùng các món ăn trong bữa hoặc pha một tách nhỏ trà gừng tươi uống sau mỗi bữa ăn 30 phút.
3.2 Tỏi
Tỏi là loại gia vị có tính kháng sinh rất cao. Tuy nhiên, ưu điểm của nó là chỉ ức chế vi khuẩn có hại mà không làm ảnh hưởng đến lợi khuẩn. Do vậy, không gây ra tình trạng loạn khuẩn ruột như các kháng sinh tổng hợp. Ngoài ra, tỏi có tác dụng kích thích tiêu hóa, ngăn chặn tình trạng đầy bụng rất tốt.
Tương tự như gừng, bạn có thể bổ sung tỏi vào các bữa ăn hàng ngày để khắc phục chứng ợ chua khó tiêu.
3.3 Tía tô
Các sách Đông y cho biết, tía tô có vị cay, tính ấm giúp loại bỏ tình trạng lạnh bụng gây đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi. Bạn có thể pha trà lá tía tô, nấu cháo tía tô hoặc giã và lọc nước uống trực tiếp.
3.4 Sữa chua
Sữa chua giúp tăng cường lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, ngăn chặn thức ăn tích tụ lâu trong đường ruột.
Bạn chỉ cần ăn một cốc sữa chua sau bữa ăn 30 phút và khoảng 3 – 4 lần/ tuần là có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu có thể, hãy lựa chọn sữa chua không đường sẽ tốt hơn cho bạn rất nhiều.
3.5 Đu đủ
Trong quả đu đủ có chứa rất nhiều các loại enzyme khác nhau như Papain, Chymopapain, protease… Nhờ đó, việc ăn một miếng đu đủ sau bữa cơm sẽ giúp giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày của bạn rất nhiều.
3.6 Nước chanh, bạc hà
Nước chanh kích thích tiêu hóa. Trong khi đó, nước bạc hà có tác dụng thư giãn cơ rất tốt trong hoạt động co bóp tiêu hóa thức ăn của dạ dày và đường ruột. Tuy nhiên, nước chanh có tính acid sẽ không tốt cho một chiếc dạ dày rỗng thức ăn. Vậy nên, chỉ uống nước chanh sau khi đã ăn và không uống quá nhiều chanh để không gây tác dụng ngược.
3.7 Kê cao gối khi nằm
Kê cao gối khi nằm giúp vị trí của thực quản luôn cao hơn dạ dày. Nhờ đó hạn chế được tác hại của triệu chứng trào ngược dạ dày gây ra cho thực quản.
Điều duy nhất cần lưu ý khi áp dụng phương pháp này là gối cần được kê cao từ từ. Từ phần lưng lên đến đầu cần có độ dốc thích hợp và tránh ảnh hưởng đến cột sống cổ.
4. Đi khám để điều trị nguyên nhân bệnh lý
Hiện tượng ợ chua khó tiêu nếu không thuyên giảm mà có dấu hiệu tăng về tần suất và mức độ thì chứng tỏ nguyên nhân bệnh lý đã trở nặng, lúc này bạn phải đi khám ngay.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh lý và đưa ra những lời khuyên và phương pháp điều trị hợp lý. Bạn cần tuyệt đối tuân theo lời khuyên bác sĩ, uống thuốc phải đúng và đủ liều, không tự ý sử dụng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi đã cung cấp thông tin cần thiết khắc phục tình trạng ợ chua khó tiêu cho bạn. Nếu cần hỗ trợ thêm bởi chuyên gia, đừng ngại ngần đặt câu hỏi ngay dưới bài viết này. Chúc bạn mau lành bệnh.