Viêm dạ dày cấp nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng. Chính vì thế, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc về phác đồ điều trị viêm dạ dày cấp chuẩn Y khoa.
☛ Tìm hiểu trước: Viêm dạ dày cấp tính là gì?
Nội dung bài viết
Nguyên tắc điều trị viêm dạ dày cấp
Để điều trị viêm dạ dày cấp cần tuân thủ nguyên tắc cân bằng được giữa yếu tố phá hủy và yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày:
- Sử dụng thuốc ức chế HCL và loại bỏ những yếu tố làm phá hủy niêm mạc.
- Sử dụng thuốc tăng cường cơ chế bảo vệ niêm mạc.
Mục tiêu của điều trị viêm dạ dày cấp là giảm nhanh triệu chứng khó chịu như sưng viêm, phù nề niêm mạc, giảm đau và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn gây biến chứng. Đồng thời bám sát điều trị nguyên nhân gây bệnh để giải quyết bệnh tận gốc, ngăn chặn tái phát.
Bên cạnh đó, để quá trình điều trị đạt hiệu quả cần phối hợp sử dụng thuốc theo phác đồ cùng với điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống.
☛ Tham khảo thêm: Viêm loét dạ dày nên ăn gì kiêng gì?
Phác đồ điều trị viêm dạ dày cấp cụ thể
Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh và mức độ viêm dạ dày cấp mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị sử dụng thuốc phù hợp.
Nhóm thuốc kháng acid
Nhóm thuốc kháng acid hay còn gọi là Antacid bao gồm:
- Bicarbonat.
- Muối Magie: Magnesium Hydroxide.
- Muối nhôm: Aluminium hydroxide.
Ưu điểm: Cân bằng pH ở trong dịch vị giúp giảm đau nhanh và có tác dụng bảo vệ tế bào niêm mạc. Trong nhóm thuốc có những chế phẩm cải thiện tình trạng đầy hơi, che phủ niêm mạc dạ dày.
Nhược điểm: Thuốc phải sử dụng nhiều lần trong ngày bởi có tác dụng ngắn. Thành phần chính của thuốc là Al(OH)3 Mg(OH)2 đem lại tác dụng nhanh khoảng 15 phút nhưng thời gian tác dụng chỉ khoảng 2-3 tiếng. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra những tác dụng phụ khác như tiêu chảy hoặc táo bón.
Hiện nay nhóm thuốc này ít được sử dụng đơn độc để trị viêm dạ dày cấp. Mốt số chế phẩm phối hợp có những thành phần Actapulgite tác dụng bảo vệ niêm mạc, cùng với Dimethicone tác dụng giảm đầy hơi.
Cách sử dụng nhóm thuốc kháng acid tốt nhất là uống trước bữa ăn khoảng 15 phút hoặc sau ăn no 1 tiếng hoặc khi đau. Bệnh nhân sử dụng thuốc tối đa 3 lần/ ngày. Cần uống giãn cách với các loại thuốc khác từ 2-4 tiếng.
Nhóm kháng thụ thể H2
Nhóm kháng thụ thể H2 gồm những loại thuốc phổ biến như:
- Cimetidine.
- Famotidine.
- Ranitidine.
Ưu điểm: Thuốc giúp giảm lượng acid do dạ dày tiết ra, ngày đầu sử dụng có tác dụng nhanh, giá thành rẻ.
Nhược điểm: Thuốc gây ra những tác dụng phụ như suy thận, viêm gan, bất lực nam, vú to ở nam,…
Tuy nhóm thuốc có khả năng kiểm soát dịch vị vào ban đêm tốt nhưng ức chế acid dạ dày lại yêu hơn nhóm PPI. Khi dùng thuốc, người bệnh sẽ gặp phải những tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy, phát ban, dị ứng,…
Cách sử dụng thuốc là uống trước khi ăn khoảng 30 phút hoặc uống lúc đói theo chỉ định của bác sĩ, dùng cách thuốc kháng acid 2 tiếng. Bệnh nhân sử dụng tối đa 2 lần/ ngày. Thông thường bác sĩ sẽ kê cho người bệnh uống kéo dài khoảng 4-8 tuần, sau 8 tuần nếu bệnh không cải thiện thì sẽ giảm liều lượng hoặc đổi loại thuốc khác.
Lưu ý rằng nhóm thuốc này dễ tương tác với các nhóm thuốc khác nên người bệnh cần uống riêng lẻ. Nếu người bệnh đang sử dụng những loại thuốc chống viêm (Aspirin, Ibuprofen,…) hoặc thuốc chống động kinh (Phenytoin, Natri Valproate…) thì cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ khi sử dụng.
Nhóm ức chế bơm Proton
Nhóm ức chế bơm proton bao gồm:
- Esomeprazole.
- Omeprazole.
- Rabeprazole.
- Pantoprazole.
Thuốc có khả năng kiểm soát nồng độ acid dịch vị thông qua việc ức chế K+/H+ ATPase trên màng tế bào thành dạ dày, chúng tác động vào bước cuối của quá tình tiết dịch vị. Vì thế thuốc có hiệu quả cao hơn so với nhóm thuốc giảm tiết acid. Nhóm thuốc này ít gây tác dụng phụ, nếu có chỉ gây tiêu chảy hoặc đau đầu.
Cách sử dụng thuốc là uống trước khi ăn 15-30 phút, liều tiêu chuẩn 1 lần/ ngày (Esomeprazole 20 – 40mg/ngày, Omeprazole 20mg/ngày, Rabeprazole 20mg/ngày, Pantoprazole 40mg/ngày).
Thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày
Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến trong nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như:
- Bismuth: có tác dụng chính tiêu diệt vi khuẩn HP, bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Rebamipide: có tác dụng kháng viêm ở niêm mạc ống tiêu hóa, kích thích tiết ra Prostaglandin nội sinh thúc đẩy quá trình làm lành vết loét.
- Sucralfate: có tác dụng tạo thêm lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày nhanh, tuy nhiên thời gian tác dụng ngắn và dễ gây táo bón.
- Misoprostol: thuốc tương tự như Sucralfate làm tăng tiết nhầy và bicarbonat bảo vệ niêm mạc, tăng cường lưu lượng máu. Loại thuốc này ít được sử dụng do tác dụng phụ.
Khi sử dụng, người bệnh sẽ gặp phải những tác dụng phụ như: táo bón, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu,… Thế nhưng các triệu chứng này sẽ được cải thiện khi người bệnh giảm liều hoặc dừng uống thuốc.
Cách sử dụng thuốc là trước hoặc sau khi ăn, không quá 4 liều/ ngày. Trường hợp người bệnh quên uống thì cũng không được tăng liều. Để tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh kết hợp.
Phác đồ điều trị viêm dạ dày cấp có HP dương tính
Người bệnh khi được chẩn đoán nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp là do vi khuẩn HP gây ra sẽ cần phải sử dụng kháng sinh kết hợp với các nhóm thuốc cân bằng dịch vị acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Vi khuẩn Helicobacter Pylori là khuẩn xoắn gram âm, sống được trong môi trường pH thấp của dạ dày bằng cách tiết ra men Urease trung hòa acid dịch vị. Loại vi khuẩn này sinh trưởng rất nhanh và có khả năng kháng thuốc. Vì thế người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ.
Dưới đây là phác đồ trị viêm dạ dày cấp có HP dương tính của Bộ Y tế.
Trị viêm dạ dày cấp bằng phác đồ điều trị 3 thuốc
Thời gian sử dụng kéo dài khoảng 7-14 ngày.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút, 2 lần/ ngày.
- Amoxicillin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 4 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Clarithromycin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
Trị viêm dạ dày cấp bằng phác đồ điều trị 3 thuốc có Levofloxacin
Thời gian sử dụng kéo dài 10 ngày.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút, 2 lần/ ngày.
- Amoxicillin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 4 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Levofloxacin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
Trị viêm dạ dày cấp bằng phác đồ nối tiếp
Thời gian sử dụng kéo dài 10 ngày.
Trong 5 ngày đầu, người bệnh sử dụng:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút, 2 lần/ ngày.
- Amoxicillin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 4 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
Sau đó 5 ngày tiếp theo sử dụng:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút, 2 lần/ ngày.
- Clarithromycin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Tinidazol 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày chia 2 lần sáng tối.
Trị viêm dạ dày cấp bằng phác đồ 4 thuốc
Sử dụng phác đồ 4 thuốc không có Bismuth. Thời gian sử dụng kéo dài 10 ngày.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút, 2 lần/ ngày.
- Amoxicillin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 4 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Clarithromycin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Metronidazole 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối. Hoặc Tinidazol 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
Sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth. Thời gian sử dụng kéo dài 14 ngày.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút, 2 lần/ ngày.
- Metronidazole 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Tetracyclin 500mg: sử dụng sau khi ăn, 2 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
- Bismuth 240mg: sử dụng sau khi ăn, 4 viên/ ngày, chia 2 lần sáng và tối.
☛ Tham khảo thêm tại: Cách trị viêm dạ dày HP
Lưu ý khi sử dụng phác đồ điều trị viêm dạ dày cấp
- Đối với những người bệnh chưa từng diệt trừ vi khuẩn HP thì nên lựa chọn: phác đồ nối tiếp, phác đồ 4 thuốc có Bismuth và không có Bismuth.
- Đối với người đã thất bại lần 1: sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth (với trường hợp trước đây chưa sử dụng phác đồ này).
- Trường hợp sử dụng phác đồ đầu là phác đồ 4 thuốc có Bismuth nhưng thất bại, nên chọn phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin.
- Đối với người đã thất bại lần 2: nuôi cấy và làm phác đồ kháng sinh để chọn loại thuốc thích hợp.
- Không sử dụng lại loại kháng sinh đã dùng trong phác đồ thất bại trước đấy, đặc biệt là Clarithromycine (ngoại trừ Amoxicilline) vì kháng thuốc thứ phát rất cao.
- Người bệnh không nên hút thuốc là và uống rượu bia trong thời gian điều trị vi khuẩn HP bởi sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.
- Có thể sử dụng phối hợp (Bacillus clausii) để giảm những tác dụng phụ của phác đồ điều trị đem lại.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về thuốc trong phác đồ được sử dụng để điều trị viêm dạ dày cấp. Nếu người bệnh đang điều trị viêm dạ dày cấp thì cần hãy tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị. Chúc bạn mau khỏe!