Nếu bạn đang muốn tìm hiểu điều trị Hp dạ dày như nào? Phác đồ ra sao? Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn phác đồ điều trị Hp dạ dày theo khuyến cáo của Bộ y tế. Cùng xem cụ thể để hiểu rõ hơn các chỉ định của bác sĩ nhé.
Nội dung bài viết
Mục tiêu điều trị Hp dạ dày
Mục tiêu điều trị Hp dạ dày là nhằm ức chế hoạt động và tiêu diệt dần HP gây ra các bệnh lý về dạ dày. Điều trị này được thực hiện bằng phương pháp nội khoa sử dụng nhóm thuốc kháng sinh tương thích.
Tuy nhiên vi khuẩn Hp có xu hướng tăng dần đề kháng với các loại kháng sinh hiện hành nên tình trạng kháng thuốc, tái nhiễm xảy ra với tỷ lệ cao hơn.
Chính vì vậy mà cần phải có phác đồ điều trị tương ứng với từng vùng miền, từng quốc gia. Và cần theo dõi bệnh án cụ thể của từng bệnh nhân để tránh việc điều trị lặp lại, kháng thuốc không hiệu quả.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Vi khuẩn HP dạ dày là gì?
Các loại thuốc điều trị Hp dạ dày
Điều trị Hp dạ dày cần kết hợp thuốc kháng sinh, thuốc ức chế axit và thuốc bảo vệ dạ dày. Các loại thuốc có thể được kê toa bao gồm:
Thuốc ức chế axit
Thuốc kháng acid: Nhóm thuốc này có thành phần chính là: Al(OH)3, Mg(OH)2. Các dạng thông dụng: Almagel, Gelusil, Maalox, Mylanta… Đây là nhóm thuốc có tác dụng nhanh (15 phút) nhưng thời gian tác dụng lại ngắn (2-3 giờ) và đi kèm tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc táo bón do các thành phần có trong thuốc. Do vậy không dùng thuốc đơn độc mà thường dùng kết hợp với các thuốc khác trong quá trình điều trị. Thuốc dùng trước bữa ăn 15 phút hoặc sau ăn 1 giờ hoặc khi đau và uống trung bình 3 lần / ngày.
Thuốc kháng thụ thể H2 (aniti H2): Chúng được sử dụng để làm giảm lượng axit trong dạ dày của bạn bằng cách ngăn chặn hormone histamine. Các dạng thông dụng là Ranitidine, Cimetidin …Thuốc có thời gian bắt đầu tác dụng chậm hơn nhóm kháng acid bên trên do cần hấp thu vào trong cơ thể sau đó mới quay trở lại tế bào thành nhưng tác dụng dài hơn (5-7 giờ). Tuy nhiên, thuốc này có nhiều tác dụng phụ: vú to ở nam, bất lực nam, suy thận, viêm gan… và có hiện tượng dung nạp thuốc xảy ra sau 1 tuần điều trị nên hiện nay cũng ít sử dụng. Thuốc uống trước ăn 30 phút (dùng cách xa thuốc kháng acid 2 giờ) và trung bình uống 2 lần/ngày.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc ức chế bơm proton ngăn chặn việc sản xuất axit bằng cách ngăn chặn cơ chế bơm axit vào dạ dày. Bản chất của nhóm thuốc này là dẫn xuất nhóm Benzimidazole. Các thuốc này bao gồm: Esomeprazole, Lansoprazole, Omeprazole, Rabeprazole, Pantoprazole…. Đây là thuốc được dùng phổ biến trong điều trị triệu chứng của loét dạ dày. Thuốc có thời gian tác dụng chậm hơn thuốc kháng acid nhưng là nhóm thuốc có tác dụng ức chế bài tiết dài nhất và mạnh nhất cho đến nay. Thuốc ít có tác dụng phụ so với anti H2. Tác dụng phụ của thuốc này chỉ là nhức đầu hoặc tiêu chảy nhẹ. Thuốc uống trước bữa ăn chính 30-60 phút và thường được dùng với liều tiêu chuẩn 1 lần / ngày.
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Những loại thuốc này bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit và giúp tiêu diệt vi khuẩn. Nhóm này có các loại thuốc như sau:
- Sucralfate: Bản chất hóa học là Saccharose + Sulfat + Al(OH)3. Thuốc có tác dụng nhanh (tạo lớp nhầy bọc niêm mạc) nhưng thời gian tác dụng ngắn và thường gây táo bón. Thuốc được kê uống trước bữa ăn 15–30 phút với liều trung bình 1000mg x 4 lần/ngày.
- Rebamipide: Bản chất là acid amin đồng phân của 2-(1H)-quinolinone. Thuốc có tác dụng kháng viêm tại chỗ trên niêm mạc ống tiêu hóa, đồng thời có vai trò kích thích sự bài tiết Prostaglandin nội sinh tại niêm mạc dạ dày, nhờ đó thúc đẩy quá trình làm lành loét cũng như chất lượng lành viêm loét dạ dày hành tá tràng, đặc biệt là đối với các ổ loét có kích thước lớn ≥ 2cm. Thuốc này được dùng trước hoặc sau bữa ăn với liều 100mg x 3 lần/ngày.
- Bismuth: Bismuth subsalicylate là một thành phần của Pepto-Bismol. Nó được sử dụng để bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit và tiêu diệt H. pylori.
Những thuốc điều trị này làm giảm các triệu chứng và cho phép các mô bị viêm lành lại theo thời gian.
Thuốc kháng sinh
Để tiệt trừ vi khuẩn Hp cần đến nhóm thuốc kháng sinh. Tuy nhiên Hp rất khó tiêu diệt nên thường phải sử dụng đến 2 nhóm kháng sinh. Phác đồ kháng sinh được khuyến nghị cho bệnh nhân có thể khác nhau giữa các khu vực trên thế giới vì các khu vực khác nhau đã bắt đầu cho thấy tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Cụ thể với Việt nam, bộ y tế khuyến cáo các thuốc sau:
Nhóm macrolid: Bao gồm clarithromycin, azithromycin, roxithromycin, Amoxicilline… Loại kháng sinh này có tác dụng ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn, làm giảm khả năng sinh sôi và phát triển của Hp. Tuy nhiên, loại kháng sinh này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như ợ chua, ợ nóng, đau dạ dày, tiêu chảy. Ngoài ra, tỷ lệ Hp kháng clarithromycin cũng khá cao, tại Việt Nam là 33%.
Nhóm 5-nitroimidazol: Bao gồm metronidazol, tinidazol, ornidazol… Loại kháng sinh này có tác dụng chọn lọc trên các vi khuẩn kỵ khí và thiếu oxy như Hp, bằng cách tạo ra các sản phẩm độc hại cho ADN của vi khuẩn. Tuy nhiên, loại kháng sinh này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, miệng có vị kim loại, lở loét miệng, đau dạ dày …
☛ Tham khảo thêm: Đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày
Các thuốc này sẽ xuất hiện trong các đơn thuốc với các phác đồ điều trị cụ thể. Cùng đọc tiếp cụ thể chi tiết từng phác đồ điều trị ở mục bên dưới
Cụ thể từng phác đồ điều trị viêm dạ dày Hp dương tính
Theo bộ y tế công bố 5 phác đồ như sau:
Phác đồ 3 thuốc
Điều trị Hp dạ dày theo phác đồ 3 thuốc được áp dụng trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn mới ở giai đoạn đầu, mức độ ảnh hưởng còn nhẹ. Nhóm 3 thuốc được sử dụng trong phác đồ bao gồm: Nhóm thuốc PPI, nhóm thuốc kháng sinh: Amoxicilline và Clarithromycin. Phác đồ 3 thuốc được áp dụng từ 7-14 ngày.
Ví dụ 1 đơn thuốc của Phác đồ 3 thuốc kéo dài 7-14 ngày:
- Nhóm thuốc PPI: Omeprazole 20mg ngày 1 viên trước ăn 30 phút.
- Nhóm kháng sinh:
- Amoxicilline 1000mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- Clarithromycin 500 mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
Phác đồ 3 thuốc có chứa Levofloxacin
Phác đồ 3 thuốc có chứa Levofloxacin viết tắt: PPI + A + L bao gồm: Nhóm thuốc PPI, nhóm thuốc kháng sinh: Amoxicillin và Levofloxacin.
Ví dụ 1 đơn thuốc của Phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin kéo dài 10 ngày:
- Nhóm thuốc PPI: Omeprazole 20mg ngày 1 viên trước ăn 30 phút.
- Nhóm kháng sinh:
- Amoxicillin 1000mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- Levofloxacin 250 -500 mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
Theo các chuyên gia, phác đồ 3 thuốc có chứa Levofloxacin cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, phác đồ này thường chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể có chọn lọc.
Phác đồ nối tiếp
Phác đồ nối tiếp được thực hiện như một giải pháp kế tiếp khi các lần điều trị trước đó thất bại.
Phác đồ này chia thành 2 giai đoạn nối tiếp nhau kéo dài 10 ngày, cụ thể:
- 5 ngày đầu: Nhóm thuốc PPI, thuốc kháng sinh: Amoxicillin.
- 5 ngày sau: Nhóm thuốc PPI, thuốc kháng sinh: Clarithromycin + Tinidazole.
Ví dụ 1 đơn thuốc của Phác đồ nối tiếp cho 10 ngày như sau:
- 5 ngày đầu: uống ngày 1 viên Omeprazole 20mg trước ăn sáng 30 phút và 2 viên Amoxicilline 1000mg chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- 5 ngày sau: uống ngày 1 viên Omeprazole 20mg trước ăn sáng 30 phút, 2 viên Clarithromycine 500mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn và Tinidazole 500mg ngày 2-3 chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
Phác đồ nối tiếp này cho kết quả tiêu diệt HP đạt tỷ lệ khá cao, chiếm tới 88,9% với các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh Clarithromycin và đạt tỷ lệ 28,6% so với trường hợp thực hiện phác đồ điều trị 3 thuốc.
Phác đồ 4 thuốc không có Bismuth
Phác đồ 4 thuốc không thêm Bismuth viết tắt: PPI+A+C+ M/C gồm có: Nhóm thuốc PPI, nhóm thuốc kháng sinh: Amoxicillin, Clarithromycin và Metronidazol hoặc dùng Tinidazole.
Ví dụ 1 đơn thuốc theo Phác đồ 4 thuốc không có bismuth kéo dài 10 ngày như sau:
- Nhóm thuốc PPI: Omeprazole 20mg ngày 1 viên trước ăn 30 phút.
- Nhóm kháng sinh:
- Amoxicilline 1000mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- Clarithromycine 500mg ngày 2 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- Tinidazole 500mg ngày 2-3 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
Phác đồ 4 thuốc có Bismuth
Phác đồ 4 thuốc có Bismuth viết tắt: PPI + M + Te + B gồm có: Nhóm thuốc PPI, nhóm thuốc kháng sinh: Metronidazol, Tetracyclin và Bismuth.
Ví dụ 1 đơn thuốc theo Phác đồ 4 thuốc có bismuth kéo dài 14 ngày như sau:
- Nhóm thuốc PPI: Omeprazole 20mg ngày 1 viên trước ăn 30 phút.
- Nhóm kháng sinh:
- Metronidazole 500mg ngày 2-3 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- Tetracyclin 500mg ngày 2-3 viên chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
- Bismuth 240mg ngày 4 chia 2 lần sáng/tối ngay sau bữa ăn.
Phác đồ điều trị 4 thuốc có Bismuth là giải pháp thay thế tốt trong trường hợp phác đồ 3 thuốc không phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng điều trị theo phác đồ này khá phức tạp và cần tham khảo kỹ lưỡng ý kiến từ bác sĩ để tránh dẫn đến trường hợp kháng thuốc.
Hướng dẫn lựa chọn phác đồ phù hợp với từng trường hợp
Để hiểu rõ hơn về trình tự cũng như việc lựa chọn phác đồ phù hợp với từng trường hợp cần đọc rõ mục dưới đây. Bộ y tế đã hướng dẫn lựa chọn các phác đồ cụ thể như sau:
- Lần điều trị đầu tiên: Ở bước này có thể lựa chọn 1 trong 3 phác đồ. Cụ thể: phác đồ nối tiếp, phác đồ 4 thuốc có Bismuth và phác đồ 4 thuốc không có Bismuth.
- Lần điều trị thứ 2: Đây là phác đồ được thực hiện sau khi đã thất bại 1 lần: sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth nếu trước đó chưa điều trị với phác đồ này. Hoặc nếu đã sử dụng phác đồ 4 thuốc này ở phác đồ điều trị đầu tiên nhưng thất bại, thì chọn phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin.
- Lần điều trị cứu vãn: Đây là phác đồ được thực hiện sau khi đã thất bại 2 lần. Lúc này cần nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp.
Trên thế giới, đối với lần điều trị đầu tiên, liệu pháp ba thuốc clarithromycin nên được giới hạn ở những bệnh nhân không có tiền sử phơi nhiễm macrolide trước đó và sống ở những khu vực có tỷ lệ kháng clarithromycin ở các chủng phân lập H. pylori được biết là thấp. Hầu hết bệnh nhân sẽ được phục vụ tốt hơn bằng điều trị đầu tiên bằng liệu pháp 4 thuốc có bismuth hoặc điều trị đồng thời bao gồm PPI, clarithromycin, amoxicillin và metronidazole.
Chính vì vậy mà bộ y tế đã khuyến cáo giới hạn phác đồ có thể lựa chọn như bên trên không sử dụng phác đồ 3 thuốc cho lần điều trị đầu tiên.
Khoảng 20% bệnh nhân sẽ cần phác đồ thứ 2 để tiêu diệt vi khuẩn Hp. Khi liệu pháp điều trị đầu tiên thất bại, phác đồ điều trị tiếp theo nên tránh dùng kháng sinh đã được sử dụng trước đó.
- Nếu bệnh nhân được điều trị đầu tiên có chứa clarithromycin, liệu pháp bốn thuốc bismuth hoặc chế độ điều trị thứ 2 bằng levofloxacin là những lựa chọn điều trị ưu tiên.
- Nếu bệnh nhân được điều trị đầu tiên bằng phác đồ bốn thuốc bismuth, phác đồ điều trị thứ 2 có chứa clarithromycin hoặc levofloxacin là những lựa chọn điều trị ưu tiên.
Sau khi điều trị xong, cần phải kiểm tra lại xem H. pylori đã hết chưa. Bạn có thể được chỉ định làm xét nghiệm hơi thở hoặc phân. Xét nghiệm máu không được khuyến khích để kiểm tra với lý do kháng thể được phát hiện bằng xét nghiệm này thường vẫn còn trong máu từ bốn tháng trở lên sau khi điều trị, ngay cả khi đã loại bỏ tình trạng nhiễm trùng.
Tác dụng phụ khi điều trị Hp dạ dày do thuốc
Các thuốc mà bác sĩ thường kê đơn để điều trị Hp dạ dày bao gồm: thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm. Các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng, trong đó có:
- Một số thuốc như: metronidazole (Flagyl) hoặc clarithromycin (Biaxin) có thể gây mất vị giác.
- Nên tránh đồ uống có cồn (như bia, rượu) khi dùng thuốc metronidazol, Do có thể gây ra phản ứng đỏ da, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh.
- Bismuth, có trong Phác đồ 4 thuốc có Bismuth khiến phân có màu đen, đen ở lưỡi và có thể gây táo bón. Những phản ứng này là vô hại và sẽ biến mất sau khi người bệnh ngừng uống thuốc.
- Một số loại thuốc khác có thể gây tiêu chảy và co thắt dạ dày.
Khi điều trị H. pylori, có tới 50% bệnh nhân sẽ có tác dụng phụ nhẹ. Chỉ có 10% bệnh nhân phải ngừng thuốc vì tác dụng phụ quá nặng. Đối với những người gặp tác dụng phụ, bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh liều lượng hoặc thời gian dùng thuốc. Bạn cần thông báo với bác sĩ các phản ứng của mình để được có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.
Bên cạnh đó bạn cần tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ. Một số loại thuốc cần phải kiêng tuyệt đối với bia rượu.
Cách hạn chế tác dụng không mong muốn khi điều trị Hp dạ dày
Để hạn chế các tác dụng không mong muốn khi điều trị Hp dạ dày, người bệnh nên làm theo các cách sau:
- Khám bác sĩ chuyên khoa, lấy đơn thuốc và phác đồ điều trị Hp dạ dày phù hợp.
- Cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ bao gồm: liều lượng và cả thời gian uống. Một số thuốc cần uống trước ăn mới đem lại hiệu quả. Cần làm theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi thuốc, tăng giảm liều hay ngưng thuốc.
- Theo dõi sát sao các triệu chứng, tác dụng phụ nếu có trong suốt quá trình dùng thuốc, nếu có biểu hiện bất thường, nên báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí. Bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và ảnh hưởng để cân nhắc điều chỉnh thuốc.
- Cần thông báo với bác sĩ những loại thuốc bạn đã và đang điều trị nhất là các loại kháng sinh liên quan đến điều trị Hp dạ dày. Điều này để tránh trường hợp kháng thuốc, cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bạn.
- Cần nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị và kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả giàu vitamin, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh các thực phẩm có tính kích thích dạ dày như ớt, tỏi, tiêu, hành, thức ăn chua, chiên xào nhiều dầu mỡ, trà đặc, cà phê, bia rượu, cà phê, đồ uống có cồn. (☛ Tham khảo chi tiết: Viêm loét dạ dày nên ăn gì kiêng gì?)
- Sử dụng thêm men vi sinh (probiotics) để giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi sử dụng các kháng sinh để điều trị HP.
- Theo dõi sát sao các triệu chứng, tác dụng phụ nếu có trong suốt quá trình dùng thuốc, nếu có biểu hiện bất thường, nên báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí.
- Thực hiện tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ, làm lại xét nghiệm Hp sau điều trị để kiểm tra hiệu quả và ngăn ngừa tái nhiễm.
Bài viết là thông tin về phác đồ điều trị Hp dạ dày theo khuyến cáo của Bộ y tế. Lưu ý, các thông tin bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hay điều trị y khoa. Bạn cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Chúc bạn sức khỏe!
Tài liệu tham khảo:
- Phác đồ của bệnh viện Quận 4 – Tp Hồ Chí Minh. http://benhvienquan4.vn/news/phac-do-dieu-tri/phac-do-dieu-tri-loet-da-day-ta-trang-do-nhiem-H-Pylori-69/
- Phác đồ của bệnh viện Bạch Mai – Sách Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh nội khoa – Nhà Xuất bản y học. chương 7, mục 121. Loét dạ dày- tá tràng, tr. 483-486.
- Phác đồ điều trị dành cho trạm y tế – Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản y học, chương 3, mục 34. Loét dạ dày- tá tràng, tr.267-275.