Viêm hang vị dạ dày ngày càng phổ biến, nhiều biến chứng nên rất khó cải thiện cũng như kiểm soát tình trạng tái phát bệnh. Để việc điều trị được nhanh chóng và triệt để, bệnh nhân buộc phải sử dụng những loại thuốc đặc hiệu. Vậy viêm hang vị dạ dày uống thuốc gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây ngay nhé!
Nội dung bài viết
Vai trò của thuốc trong điều trị viêm hang vị dạ dày
Viêm hang vị dạ dày là tình trạng mất cân bằng giữa yếu tố tấn công (acid dịch vị) và yếu tố bảo vệ (chất nhầy niêm mạc). Điều này dẫn đến tổn thương tại niêm mạc hang vị, hình thành các vết trầy, xước, lâu dần vi khuẩn, thức ăn xâm nhập và gây viêm.
Thuốc điều trị viêm hang vị dạ dày có hoạt tính sinh học mạnh mẽ, có khả năng cải thiện triệu chứng viêm hang vị như đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu… một cách hiệu quả. Hầu hết những triệu chứng của bệnh đều thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài lần sử dụng. Đặc biệt, thuốc Tây làm cân bằng lại hai yếu tố quan trọng gây viêm, đó chính là giảm tiết acid, bao che vết loét niêm mạc. Bên cạnh đó, một số loại thuốc còn có khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh, thiết lập lại hệ vi sinh vật nhằm cải thiện chức năng tiêu hóa, điều trị bệnh một cách triệt để.
Viêm hang vị dạ dày uống thuốc gì?
Tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng của từng cá nhân mà bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn phối hợp thuốc. Một số loại thuốc viêm hang vị dạ dày thường được chỉ định bao gồm:
Nhóm thuốc trung hòa acid
Nhóm thuốc trung hòa acid hay còn được gọi là Antacid, được sử dụng để cải thiện tình trạng dư thừa acid trong đường tiêu hóa. Đây là nhóm thuốc hiệu quả với các trường hợp viêm hang vị dạ dày có trào ngược dạ dày – thực quản, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu.
Một số thuốc Antacid phổ biến bao gồm:
- Muối nhôm: Aluminium hydroxide
- Muối Magie: Magnesium Hydroxide
- Bicarbonat
Cách dùng tốt nhất của Antacid là uống ngay sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Đây là thời điểm mà người bệnh thường có những triệu chứng khó chịu như ợ hơi, ợ chua, đau thượng vị… Tuy nhiên, thuốc kháng acid có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc khác nên cần uống giãn ra từ 2 – 4 tiếng. Cần uống thuốc theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/ ngày.
Do có tính chất khó hấp thu và tiêu hóa vì vậy rất dễ gây ra hiện tượng táo bón, thậm chí tiêu chảy, giảm canxi hoặc phospho trong máu… Cũng nên nhớ rằng, Antacid có thể cải thiện triệu chứng trong vài giờ, nhưng đây không phải là thuốc điều trị nguyên nhân gốc rễ của bệnh.
Nhóm thuốc giảm tiết acid
Nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng viêm hang vị dạ dày uống thuốc gì thì nhóm thuốc giảm tiết acid chính là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ điều trị. Hai loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm:
Thuốc ức chế bơm Proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm Proton có khả năng điều chỉnh nồng độ acid trong dạ dày thông qua việc ngăn chặn hoạt động của kênh H+/K+ ATPase trên màng tế bào thành dạ dày. Đây là bước cuối cùng trong quá trình tiết acid, chính vì thế thuốc ức chế bơm Proton có hiệu quả vượt trội nhất trong nhóm thuốc giảm tiết acid. Những hoạt chất thường được chỉ định có thể kể đến như:
- Omeprazole
- Lansoprazole
- Esomeprazole
Thuốc kháng Histamin H2
Histamin H2 là chất trung gian quan trọng trong việc bài tiết acid gastric, acid clohydric. Tuy nhiên, trong viêm hang vị dạ dày, lượng acid dư thừa có thể dẫn đến nóng rát thượng vị, trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, ợ chua… Thuốc kháng Histamin H2 có tác dụng liên kết với thụ thể Histamin, từ đó giảm lượng acid mà niêm mạc dạ dày tiết ra.
Những loại thuốc kháng Histamin H2 phổ biến bao gồm:
- Cimetidine
- Ranitidine
- Famotidine
Cách dùng thuốc giảm tiết acid tốt nhất là uống lúc đói, khoảng 30 phút trước bữa ăn theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Thông thường nhóm thuốc này dùng kéo dài từ 4 – 8 tuần. Sau 8 tuần nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ giảm liều hoặc cân nhắc đổi thuốc cho người bệnh.
Khi sử dụng thuốc giảm tiết acid, bệnh nhân có thể gặp phải một vài tác dụng không mong muốn như buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, phát ban, dị ứng,…
Cũng nên lưu ý rằng đây là nhóm thuốc dễ tương tác với nhiều nhóm thuốc khác nên cách tốt nhất là uống riêng lẻ. Nếu đang sử dụng một số thuốc chống viêm, giảm đau như Aspirin, Ibuprofen… hay thuốc chống động kinh như Phenytoin, Natri Valproate… người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh cách dùng thuốc và liều dùng sao cho phù hợp.
Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Những loại thuốc nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày tạo nên một màng chắn sinh học giúp tế bào tổn thương không bị tấn công bởi acid dịch vị, Pepsin và vi khuẩn đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số loại thuốc còn có khả năng kích thích phục hồi vết loét một cách nhanh chóng, thậm chí tiêu diệt vi khuẩn H.P – nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét hang vị dạ dày.
Những loại thuốc thường gặp trong nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày là:
- Bismuth Subcitrate
- Sucralfate
- Misoprostol
Để sử dụng thuốc một cách hiệu quả, người bệnh nên kết hợp với kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, thuốc có thể được uống trước hoặc sau khi ăn, nhưng không được quá 4 liều/ ngày, không tăng liều nếu đã quên uống thuốc.
Trong quá trình sử dụng, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, đen răng, đen phân… Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và cải thiện khi giảm liều hay dừng thuốc.
Hãy lưu ý không nên dùng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày chung với nhóm thuốc khác khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng cân nhắc khi dùng thuốc, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để được tư vấn đúng đắn và hiệu quả nhất.
Nhóm thuốc diệt vi khuẩn H.P
Viêm hang vị dạ dày uống thuốc gì để điều trị triệt để nguyên nhân? Đối với người bệnh nhiễm vi khuẩn H.P thì cần sử dụng thêm kháng sinh bên cạnh nhóm thuốc giúp cân bằng nồng độ acid hay bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Vi khuẩn H.P (Helicobacter Pylori) là một xoắn khuẩn gram âm, sinh sản được trong môi trường pH thấp như dạ dày bằng cách tiết ra men Urease để trung hòa acid. Lâu dần, chúng gây ra những biến đổi gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm. Diệt H.P tận gốc là mục tiêu không hề đơn giản bởi đây là loại vi khuẩn sinh trưởng nhanh, dễ lây lan và đặc biệt là khả năng kháng thuốc, đòi hỏi bác sĩ phải điều chỉnh và phối hợp kháng sinh hợp lý.
Một số loại kháng sinh diệt vi khuẩn H.P được Bộ Y Tế đề nghị bao gồm:
- Amoxicilin
- Metronidazole
- Clarithromycin
Từng nhóm kháng sinh đều có cơ chế tác dụng khác nhau, nhưng cùng đem lại một hiệu quả đó là tiêu diệt được vi khuẩn H.P trong dạ dày, ngăn ngừa tối đa sự tái phát của bệnh. Tùy thuộc vào từng đối tượng và mức độ viêm hang vị dạ dày mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng của thuốc. Thông thường kháng sinh được sử dụng từ 7 – 14 ngày, đôi khi cần phối hợp 2 hay 3 loại để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Khi sử dụng kháng sinh, người bệnh cần để ý đến một số tác dụng không mong muốn như dị ứng, phát ban, nổi mẩn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy…
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa tối thiểu những tác dụng phụ kể trên, người bệnh không nên dùng thuốc kháng sinh chung với những nhóm thuốc khác có chứa acid hoặc rượu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và cho con bú không được dùng kháng sinh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được phác đồ điều trị phù hợp với bản thân.
☛ Tham khảo thêm tại: Điều trị viêm hang vị dạ dày đúng cách
Cách sử dụng thuốc chữa viêm hang vị dạ dày hiệu quả
Ngoài những thắc mắc về viêm hang vị dạ dày uống thuốc gì, người bệnh cũng nên trang bị những lưu ý cơ bản trong quá trình điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất. Những nguyên tắc cần có khi dùng thuốc có thể kể đến như:
- Tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ: Đúng thuốc, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian. Mọi thay đổi và những vấn đề trong quá trình sử dụng cần được báo lại với bác sĩ điều trị.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tăng cường năng lượng từ những thực phẩm tốt như thịt nạc, thịt gà, cá hồi, bắp cải, ớt chuông, đậu, cải xoăn… Hạn chế đồ ăn kích thích dạ dày như đồ cay nóng, chiên rán, rượu bia, cà phê…
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa mỗi ngày để làm giảm áp lực lên dạ dày, hỗ trợ việc tiêu hóa được tốt hơn.
- Tránh ăn quá no hay để bụng rỗng quá lâu. Sau khi ăn không nên nằm ngay mà hãy vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ.
- Tập thể dục đều đặn 3 – 4 lần mỗi tuần, ít nhất 30 phút mỗi lần là cách đơn giản để nâng cao hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình điều trị hiệu quả hơn.
- Sau khi sử dụng hết thuốc trong đơn, người bệnh cần thăm khám lại để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, cân nhắc thêm bớt thuốc vào phác đồ.
- Kể cả khi đã khỏi bệnh, cũng nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để chắc chắn rằng bệnh không tái phát bởi viêm hang vị dạ dày rất dễ bị lại.
☛ Có thể bạn quan tâm: Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm?
Lời kết
Bài viết trên đây đã giúp người đọc trả lời được câu hỏi viêm hang vị dạ dày uống thuốc gì, cũng như những lưu ý vô cùng quan trọng trong quá trình dùng thuốc. Chắc chắn rằng, thông tin bổ ích này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các hoạt chất mình uống, để từ đó có cách dùng thông minh, hiệu quả nhất đối với bản thân!
Tham khảo thêm tại:
https://tamanhhospital.vn/cach-dieu-tri-viem-loet-da-day/
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/diagnosis-treatment/drc-20355813