Những ngày Tết trôi qua với các công việc chồng chất, cơ thể bạn hoạt động kém khoa học so với những ngày bình thường. Ăn uống không đúng giờ và đều đặn làm triệu chứng trào ngược axit dạ dày tái phát, bạn nên làm như thế nào trong trường hợp này?
Biểu hiện của trào ngược axit dạ dày sau những ngày Tết Mậu Tuất
Trào ngược axit dạ dày là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản. Người bệnh trào ngược axit dạ dày có những biểu hiện bên ngoài như sau:
- Ợ nóng: Ợ nóng được coi là triệu chứng điển hình nhất của trào ngược dạ dày – thực quản. Bạn có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, lan tỏa lên trên khoang thực quản. Axit dạ dày trào ngược, tiếp xúc với niêm mạc thực quản là nguyên nhân gây ra biểu hiện này.
- Ợ chua: Acid dạ dày HCl có pH thấp, trào ngược lên thực quản làm bạn có biểu hiện ợ chua. Người bệnh có thể nhầm lẫn triệu chứng ợ chua trong trào ngược axit dạ dày với bệnh lý viêm loét dạ dày.
- Ợ hơi: Bên cạnh ợ nóng, ợ chua, ợ hơi cũng là một trong những triệu chứng phổ biến do trào ngược axit dạ dày.
- Đau tức ngực: Axit dạ dày trào ngược chính là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau tức ngức cho bạn. Axit dạ dày là yếu tố nguy cơ, trào ngược lên vùng thực quản và tiếp xúc với các đầu mút dây thần kinh tại đó khiến bạn bị đau tức ngực.
- Buồn nôn, nôn: Trong dịch vị của bạn có cả axit dịch vị lẫn thức ăn tiêu hóa. Khi dịch trào ngược lẫn thức ăn ngoài acid dạ dày, bệnh nhân gặp hiện tượng nôn, buồn nôn, thường xuyên hơn so với người bình thường đối với những tác động tương tự như ngay sau ăn, khi đánh răng.
Biện pháp cải thiện trào ngược axit dạ dày
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn cải thiện triệu chứng trào ngược axit dạ dày sau thời gian chuẩn bị và ăn Tết Mậu Tuất “đầy biến cố”.
Sau những ngày Tết Nguyên Đán ăn uống thiếu khoa học và không có thời gian tập thể dục, điều cần thiết nhất hiện giờ dành cho bạn để cải thiện trào ngược axit dạ dày là thay đổi lối sống.
Hạn chế thực phẩm kích thích dạ dày gây tăng tiết axit
Bạn bị trào ngược axit dạ dày thường xuyên, và trong chế độ ăn hiện tại của bạn có một số thực phẩm làm bạn gia tăng các triệu chứng trên. Bởi vậy, bạn cần cắt giảm các loại thực phẩm đó để tránh kích thích dạ dày gây tăng tiết axit bao gồm:
- Trà mạn, cà phê.
- Thực phẩm quá cay, quá chua như: hạt tiêu, ớt cay, chanh, dấm.
- Hành tây, tỏi
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên.
- Hoa quả có hàm lượng acid cao: cà chua, vải, dứa,…
- Đồ uống có ga.
Ăn làm nhiều bữa nhỏ
Bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Khi đó, đường tiêu hóa của bạn được giảm bớt gánh nặng, hoạt động hiệu quả hơn. Việc điều tiết axit cũng được ổn định hơn.
Bạn cần lưu ý sắp xếp khoảng thời gian giữa các bữa ăn cho hợp lý, không để bụng trong trạng thái rỗng.
Không nằm ngay sau khi ăn
Một điểm rất cần lưu tâm đối với người trào ngược là không được nằm ngay sau khi ăn và vị trí đặt đầu lúc nằm.
Hãy để lực hấp dẫn hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, bạn không nên ăn sát giờ đi ngủ. Sau khi ăn, bệnh nhân trào ngược axit dạ dày có thể ngồi, đi lại nhẹ nhàng khoảng 1 tiếng sau ăn trước khi đi nằm.
Giảm cân nếu bạn đang “thừa cân”
Một trong những nguyên nhân gây trào ngược axit dạ dày là béo phì. Người béo phì có lượng mỡ tập trung nhiều tại vùng bụng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động của cơ thắt thực quản, gây áp lực lên dạ dày khiến trào ngược acid dạ dày.
Bởi vậy, người “thừa cân” cần tập thể dục đều đặn, hợp lý giúp hạn chế các triệu chứng của trào ngược acid dạ dày.
Nâng cao đầu giường
Việc nâng cao đầu giường, đặc biệt là nửa thân phía trên thực quản cao hơn so với dạ dày sẽ giúp hạn chế rất tốt axit trào ngược.
Khi ngủ, cơ thể khó kiểm soát hơn nên biện pháp này rất hiệu quả với các cơn trào ngược axit dạ dày ban đêm.
Bạn hãy nâng cao toàn bộ phía đầu giường mà bạn nằm lên 15cm tới 20cm, lưu ý không nằm gối cao. Việc gập người sẽ gây sức ép lên dạ dày và cột sống.