Bất cứ ai làm cha mẹ cũng không lạ gì với tình trạng nôn trớ của con mình. Vậy khi nào nôn trớ ở trẻ là bình thường và khi nào là dấu hiệu “bất thường” cảnh báo trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, cùng đọc bài viết sau để nắm bắt được tình trạng sức khỏe của con mình nhé…
Phân biệt nôn trớ sinh lý và chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ.
Nôn trớ sinh lý
Là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị trào lên thực quản và ra khỏi miệng.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi rất hay bị nôn trớ đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi, tình trạng nôn trớ diễn ra rất thường xuyên do chức năng của các cơ quan dạ dày – thực quản chưa hoàn thiện.
Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ em:
- Dạ dày nằm ngang trong khi thức ăn chủ yếu của trẻ ở dạng lỏng.
- Hoạt động của cơ vòng thực quản hoạt động chưa nhất quán về việc đóng mở.
- Trẻ dùng sữa công thức – do sữa công thức khó tiêu hơn sữa mẹ, nên trẻ dễ bị đầy hơi gây nôn trớ.
- Trẻ bú nhiều quá, bú sai tư thế dẫn đến bú phải hơi, gây tác động lên cơ vòng thực quản gây nôn trớ.
- Trẻ bị dị ứng thức ăn.
Hiện tượng này sẽ giảm dần sau khi trẻ được 12 tháng tuổi.
Nếu trẻ nôn trớ với tần số ít, phát triển chiều cao cân nặng bình thường, tình trạng sức khỏe hô hấp bình thường thì cha mẹ không cần phải lo lắng vì không cần phải chữa trị gì.
Nếu tình trạng nôn trớ sinh lý diễn ra thường xuyên, kéo dài và không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng các chất trong dạ dày (thức ăn, men tiêu hóa, acid dạ dày,…) đi lên thực quản và gây nên tổn thương niêm mạc thực quản.
Ở mức độ nhẹ, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sẽ gây ra các biểu hiện như: ho, thỉnh thoảng bị sặc, acid dạ dày trào lên vùng thực quản, gây đau rát ở vùng ngực này, trẻ khó chịu và sẽ nằm cong người (tư thế bảo vệ để giảm cảm giác đau), trẻ nôn, ợ hơi, chán ăn, chậm tăng cân, khó đi vào giấc ngủ
Ở mức độ nặng hơn của bệnh, cha mẹ có thể thấy những biểu hiện của trẻ như trẻ khóc thét khi đang ngủ, trẻ vật vã, quấy khóc nhiều, khó ăn, khó nuốt, thường xuyên phải ép trẻ ăn, hơi thở chua; trẻ có thể bị đi ngoài phân lỏng hoặc táo; thường xuyên mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ kéo dài có thể gây ra các biến chứng:
- Trẻ khó nuốt, không chịu ăn, chán ăn, không ép trẻ ăn được.
- Nôn trớ thường xuyên, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của trẻ, trẻ thiếu dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể-> trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng.
- Acid dạ dày trào ngược lên thực quản khiến trẻ bị viêm thực quản, hẹp thực quản.
Cách khắc phục trào ngược dạ dày ở trẻ em.
Có nhiều cách đơn giản và dễ thực hiện để khắc phục tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ như:
- Nên cho trẻ ăn vừa phải, không nên để trẻ ăn quá no. Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn ở tư thế nằm. Hạn chế tối đa việc vận động, chạy nhảy của trẻ khi ăn uống.
- Điều chỉnh tư thế bú cho trẻ đúng cách để trẻ không bị bú phải hơi. Không cho trẻ bú khi đang khóc.
- Cho trẻ ngủ đúng tư thế, tốt nhất là kê cao gối 30 độ, để trẻ không bị trào ngược ra ngoài, đồng thời giúp trẻ ngủ ngon, ngủ sâu giấc hơn
Ngoài những biện pháp trên, các bạn có thể tham khảo thêm một số biện pháp khác như:
- Mua gối chống trào ngược dạ dày thực quản cho bé.Những cái gối này được thiết kế chuyên dụng nhằm cố định tư thế ngủ cho bé, giúp làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Massage cho trẻ giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản
- Massage trị liệu cho bé cũng là một biện pháp hiệu quả. Bạn có thể áp dụng như sau: Cho bé nằm ở tư thế thoải mái, sau đó dùng một ít dầu oliu hoặc dầu dừa bôi vào vùng dạ dày rồi xoa bóp nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ 3 – 4 phút. Sau đó bạn massage phần lưng tầm 2 – 3 phút, cuối cùng là phần tay và chân từ 10 – 15 phút. Bạn hãy thực hiện từ 2 – 3 lần mỗi ngày cũng cho hiệu quả tốt. Lưu ý là không massage sau khi trẻ mới ăn no.
XEM THÊM:
- Biến chứng bệnh lý trào ngược dạ dày
- Bác sĩ nói gì về giải pháp hạn chế trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ.