Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa khá phổ biến. Dạ dày là một cơ quan quan trọng, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn và khi cơ quan này bị viêm loét sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên bệnh viêm loét dạ dày cũng như làm cách giúp phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới dây.
Nội dung bài viết
Viêm loét dạ dày là gì?
Bệnh viêm loét dạ dày là tình trạng xuất hiện các vấn đề bị tổn thương, viêm sưng ở niêm mạc dạ dày. Những tổn thương niêm mạc này xảy ra trong một thời gian dài gây nên tình trạng sưng đồng thời xuất hiện những vết loét.
Bệnh viêm loét dạ dày được chia làm 2 loại chính:
- Viêm loét dạ dày cấp tính: đây là tình trạng mà các triệu chứng xuất hiện đột ngột, nhanh trong thời gian ngắn.
- Viêm loét dạ dày mãn tính: là tình trạng vết loét xuất hiện trong một thời gian dài mà không được điều trị sẽ chuyển sang thành dạng mãn tính.
☛ Tìm hiểu thêm: Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
Top nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh này, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến mà các bạn cần nắm rõ:
Do vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori (còn được gọi là HP) là một loại vi khuẩn có thể sống trong niêm mạc dạ dày của con người. Chúng có khả năng tiết ra một loại enzyme để trung hòa acid trong dạ dày (enzyme Urease). Thông thường, vi khuẩn HP không gây ra vấn đề gì nhưng khi chúng hoạt động sẽ tiết ra độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, ức chế sản sinh các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày từ đó hình thành các vết loét. Theo thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, có trên 70% trường được chẩn đoán viêm loét dạ dày là do nhiễm khuẩn HP.
Thường xuyên bị stress kéo dài
Căng thẳng, stress thường xuyên và kéo dài cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Bởi khi cơ thể bị áp lực, stress thường khiến dạ dày tiết ra nhiều acid và pepsine khiến môn vị co thắt, làm giảm lớp bảo vệ của hệ miễn dịch của niêm mạc dạ dày. Khi tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ hình thành các vết loét từ đó gây nên bệnh viêm loét dạ dày.
Thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt
Ăn uống thất thường, ăn không đúng giờ, nhịn ăn, ăn quá no hoặc quá đói đều ảnh hưởng đến dạ dày và gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Thường xuyên ăn những thực phẩm gây kích ứng dạ dày như đồ chiên rán, đồ cay nóng… cũng dễ gây viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó, sinh hoạt, ngủ nghỉ không khoa học cũng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó có dạ dày.
Sử dụng các chất kích thích
Thuốc lá chứa nhiều chất có hại cho cơ thể, chẳng hạn như nicotine. Chất này làm suy yếu cơ chế bảo vệ của dạ dày, khiến cơ quan này dễ bị tổn thương. Trong khi đó, cồn trong bia, rượu khiến vết loét khó lành và kích thích dạ dày tiết ra acid sẽ tạo ra vết loét mới.
Lạm dụng thuốc chống viêm không Steroid
Sử dụng các thuốc chống viêm không steroid như aspirin, ibuprofen, meloxicam… lâu ngày sẽ gây tổn thương dạ dày. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase, từ đó làm giảm quá trình sinh tổng hợp prostaglandin để chống viêm và giảm đau. Prostaglandin giảm làm hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày suy giảm, từ đó gây tăng tiết dịch vị và gây tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày.
Các nguyên nhân khác
Hội chứng Zollinger-Ellison (hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng tiết dịch vị quá mức), sử dụng thuốc điều trị loãng xương (alendronat, bổ sung kali), các bệnh mãn tính (xơ gan, suy thận mãn tính), bệnh tự miễn (Crohn),… cũng là nguyên nhân gây nên bệnh viêm loét dạ dày.
☛ Tham khảo: Viêm loét dạ dày có lây không?
Viêm loét dạ dày gây ảnh hưởng gì?
Bệnh viêm loét dạ dày khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe. Cụ thể họ có thể gặp phải những triệu chứng như sau:
- Đau dữ dội hoặc âm ỉ vùng thượng vị
- Luôn có cảm giác buồn nôn và nôn
- Thường xuyên bị đầy bụng
- Bị đi ngoài ra máu
- Rối loạn tiêu hóa
- Thi thoảng bị đổ mồ hôi và lạnh tứ chi
- Bị khó thở và tụt huyết áp
- Bị ợ nóng, ợ hơi, ợ chua
Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe thâm chí tính mạng. Dưới đây là một số biến chứng có thể kể đến như:
- Xuất huyết tiêu hóa: đây là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh loét dạ dày. Dù chỉ là vết loét nhỏ và chảy máu lượng ít nhưng nếu diễn ra liên tục và kéo dài sẽ gây thiếu máu. Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị mất máu, gây chóng mặt, da xanh xao, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
- Thủng dạ dày: Viêm loét dạ dày không được điều trị có thể xuyên qua thành dạ dày hoặc ruột non vào khoang bụng, làm thủng dạ dày và gây viêm phúc mạc. Biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm và đe dọa tính mạng. Triệu chứng thủng dạ phổ biến gặp mà người bệnh thường gặp phải đó là đau bụng đột ngột, dữ dội.
- Hẹp môn vị dạ dày: Môn vị là bộ phận nối ruột non với dạ dày, có vai trò giữ thức ăn để thức ăn đi xuống ruột non từ từ và đều đặn. Viêm loét dạ dày có thể hình thành mô xơ ở vị trí này làm ngăn cản sự di chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa. Các dấu hiệu rất dễ nhận biết như đau bụng dai dẳng hoặc dữ dội, chướng bụng, buồn nôn và nôn.
- Ung thư dạ dày: Khi viêm loét, các tế bào trong dạ dày có thể dễ dàng biến đổi và phát triển thành khối u, khi đó người bệnh sẽ có triệu chứng nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu trong phân, phân có màu đen.
Phòng ngừa viêm loét dạ dày
Việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ hỗ trợ làm giảm nguy cơ phát triển viêm loét và phòng bệnh. Vì vậy mọi người cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ:
- Trái cây và rau củ: Ăn nhiều trái cây và rau củ là chìa khóa để cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa. Rau củ và trái cây rất giàu chất chống oxy hóa, chúng còn chứa các thành phần có tác dụng chống viêm, bảo vệ tế bào và giúp niêm mạc dạ dày khỏe mạnh.
- Chất xơ: Một chế độ ăn giàu chất xơ hòa tan có trong yến mạch, đậu Hà Lan, táo, cà rốt, lúa mạch,… có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh loét dạ dày.
- Bổ sung lợi khuẩn: lợi khuẩn có thể giúp cải thiện triệu chứng khó tiêu và giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Ngoài ra, bổ sung thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua, kim chi, tempeh… có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Vitamin C: Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có tác dụng giúp loại bỏ vi khuẩn HP, đặc biệt khi sử dụng với liều lượng thích hợp. Các loại trái cây họ cam quýt, đậu, cà chua, rau bina, bông cải xanh, cải xoăn… là những thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao.
- Kẽm: kẽm giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và chữa lành vết thương. Các loại thực phẩm chứa lượng kẽm cao là hàu, thịt bò, đậu, các loại hạt, rau bina… bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày
- Selenium (Selen): Selen là chất dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ biến chứng nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương của cơ thể. Thực phẩm được khuyên dùng giàu selen bao gồm cá biển (cá thu, cá ngừ, cá hồi…), ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, quả hạch…
☛ Xem chi tiết: Viêm loét dạ dày nên ăn gì kiêng gì?
Bên cạnh chế độ ăn uống thì người bệnh cũng cần điều chỉnh thói quen:
- Bỏ rượu, thuốc lá, cafe
- Trước sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm cần tham khảo ý kiến bác sĩ
- Thường xuyên rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh bị nhiễm vi khuẩn HP
- Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, rửa sạch và nấu chín trước khi ăn
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
- Học cách kiểm soát căng thẳng, sắp xếp công việc hợp lý.
☛ Tham khảo thêm: Cách trị viêm loét dạ dày tại nhà hiệu quả
Trên đây là 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị viêm loét dạ dày cũng như cách giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này. Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp ích nhiều cho các bạn. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!