Xuất huyết hành tá tràng là một tình trạng chảy máu đường tiêu hóa, có thể dẫn đến nguy kịch về tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bài viết này cung cấp những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng đến phòng ngừa và điều trị bệnh xuất huyết hành tá tràng. Đọc để có cái nhìn tổng quan về bệnh này, từ đó có thể phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Nội dung bài viết
Thế nào là xuất huyết hành tá tràng?
Hành tá tràng hay còn gọi là tá tràng trên, chiếm khoảng 2/3 tá tràng và nằm ngay sau môn vị dạ dày. Do có hình dạng phình to như củ hành tây nên được gọi là hành tá tràng. Đây là vị trí gần nhất với dạ dày. Vị trí này rất dễ gặp tổn thương viêm loét.
Xuất huyết vị trí này là một trường hợp xuất huyết tiêu hóa thường gặp. Đây là tình trạng chảy máu tổn thương do viêm loét hành tá tràng và cũng là nguyên nhân nhập viện phổ biến.
Đặc biệt việc kiểm soát xuất huyết hành tá tràng cần cẩn trọng do tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với loét dạ dày. Bệnh nhân bị loét chảy máu này thường ở tình trạng nguy cơ cao, cần điều trị gấp.
☛ Đọc để rõ hơn: Hành tá tràng nằm ở vị trí nào?
Xuất huyết hành tá tràng cực nguy hiểm?
Xuất huyết tiêu hóa vẫn là nguyên nhân nhập viện phổ biến, trong đó xuất huyết hành tá tràng chiếm đa số. Đây là tình trạng nguy hiểm do bệnh nhân có thể mất nhiều máu gây ảnh hưởng tới tính mạng. Trong giai đoạn mới khởi phát bệnh chưa tạo ra nhiều thay đổi trong cơ thể cũng như triệu chứng chưa rõ ràng. Lượng máu chảy khi mới này rất ít và chỉ có thể phát hiện qua các xét nghiệm y khoa như nội soi, chụp X- quang. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phân có màu sẫm, xuất hiện chút máu khi đi vệ sinh qua giấy lau.
Khi tình trạng xuất huyết nặng hơn sẽ gây chảy máu ồ ạt, liên tục khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, mạch đập yếu. Nếu không kịp thời can thiệp cầm máu, người bệnh sẽ mất nhiều máu có thể dẫn tới tử vong.
Xuất huyết tiêu hóa nói chung hay xuất huyết hàng tá tràng nói riêng cũng được đánh giá mức độ bệnh qua phân loại Forrest.
Theo hệ thống phân loại này, loét hành tá tràng được chia làm 3 cấp độ. Cụ thể:
- FI ( forrest I): Là tình trạng xuất huyết đang xảy ra, cấp độ này được chia làm 2 phân nhóm nhỏ là FIa (chảy máu ồ ạt, có thể phun ra thành tia) và FIb (chảy máu chậm, rỉ ra). Đây là mức độ nguy hiểm nghiêm trọng cần cấp cứu cầm máu ngay lập tức.
- FII (forrest II): Tình trạng xuất huyết mới xảy ra, bao gồm 3 phân nhóm FIIa (nhìn thấy rõ mạch máu), FIIb (có cục máu đông kết dính), FIIc (có huyết sắc tố trên nền vết loét).
- FIII (forrest III: Vết loét sạch, không có dấu hiệu xuất huyết.
Với cấp độ forrest I là tình trạng cực kỳ nguy hiểm thường được nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Tình trạng xuất huyết nặng này, cần được xử lý cấp cứu cầm máu để cứu sống người bệnh.
Mức độ II là những vết xuất huyết mới xảy ra gần đây đã tự cầm nhưng rất dễ chảy máu tái phát. Tình trạng nhẹ hơn, máu đã cầm nhưng cần chú ý cục máu đông có khả năng bong.
Và mức độ III được cho là an toàn hơn, nguy cơ chảy máu tái phát chỉ là 3-5%. Là tình trạng nhẹ nhất, chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa. (☛Tìm hiểu thêm: Loét hành tá tràng forrest 3)
Các trường hợp này đều cần phải được theo dõi tình trạng chảy máu và chảy máu tái phát sát sao.
Bên cạnh đó, do các khía cạnh giải phẫu, điều trị nội soi điều trị xuất huyết hành tá tràng có thể rất khó khăn, đặc biệt khi vị trí chảy máu nằm ở thành sau của hành tá tràng. Đây là vị trí gần động mạch vị dạ dày – tá tràng, sự xói mòn của động mạch này hoặc các nhánh của nó có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt và có liên quan đến tăng nguy cơ tái xuất huyết. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi xuất huyết hành tá tràng có liên quan đến tỷ lệ tử vong, phẫu thuật và tái nhập viện cao hơn so với loét dạ dày.
Triệu chứng cảnh báo xuất huyết hành tá tràng đang diễn ra
Xuất huyết hành tá tràng là tình trạng nghiêm trọng và đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức. Tình trạng này có những triệu chứng điển hình liên quan đến xuất huyết đường tiêu hóa như nôn ra máu hoặc phân đen. Cụ thể các triệu chứng như sau:
- Đau bụng vùng thượng vị, âm ỉ, từng cơn hoặc dữ dội: Đau ở phần trên bụng, đặc biệt sau khi ăn, có thể là dấu hiệu của vấn đề dạ dày hoặc tá tràng. Tuy nhiên đau vùng này kéo dài âm ỉ hay dữ dội thì có thể liên quan đến hành tá tràng bị tổn thương như xuất huyết. (☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Đau thượng vị từng cơn)
- Buồn nôn, nôn ra máu tươi hoặc máu cục có lẫn thức ăn: Máu trong trường hợp xuất huyết hành tá tràng có thể ra theo đường miêng qua việc bạn nôn. Máu có thể là cục máu đông sẫm màu hoặc máu đỏ tươi lẫn đôi khi lẫn cùng thức ăn.
- Đi ngoài ra phân đen như bã cà phê hoặc máu đỏ tươi: Xuất huyết hành tá tràng, máu cũng có thể ra ngoài bằng phân đen máu sẫm, hoặc ồ ạt với máu đỏ tươi.
- Cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu, da xanh, vã mồ hôi: dấu hiệu của việc mất máu nghiêm trọng, và bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
- Mạch nhanh, huyết áp tụt: biểu hiện của mất máu và cần đến sự can thiệp y tế khẩn cấp.
Nếu bạn hoặc ai đó có những triệu chứng này, hãy ngay lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ y tế và nhập viện càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây xuất huyết hành tá tràng
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra xuất huyết hành tá tràng, như: viêm loét dạ dày tá tràng, polyp hoặc ung thư đại trực tràng, bệnh lý mạch máu ở đại trực tràng, nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng ở đường tiêu hóa, sử dụng thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc chống đông máu. Tuy nhiên để xác định nguyên nhân xuất huyết hành tá tràng, người ta phân theo 4 nguyên nhân chính sau:
Xuất huyết do giãn mạch máu tá tràng
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở những người bị xơ gan. Do áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao, làm cho các mạch máu ở đại trực tràng, tá tràng giãn nở và dễ bị vỡ. Với trường hợp này thì đông máu bằng argon plasma qua nội soi có thể hiệu quả và an toàn để cầm máu tổn thương này.
Xuất huyết do loét dạ dày tá tràng
Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai của xuất huyết tiêu hóa trên. Loét dạ dày – tá tràng có thể do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, sử dụng thuốc chống viêm không steroid, rượu bia, đồ ăn cay nóng, stress hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Với xuất huyết hành tá tràng có thể do ổ loét tại hành tá tràng ăn thủng vào mạch máu. Những ổ loét nằm gần động mạch lớn của dạ dày, tá tràng thường có khả năng ăn thủng vào mạch máu như: ổ loét gần động mạch vị – tá tràng( ổ loét mặt sau hành tá tràng…). Ổ loét tại ví trí này rất dễ gây chảy máu dữ dội. Nếu nội soi cấp cứu có thể nhìn thấy các mạch máu đang chảy thành tia.
Bên cạnh đó vết loét có thể chảy máu từ mép của ổ loét, hay đáy của ổ loét khi ổ loét phát triển. Những vị trí này thường chảy máu ít và không gây chảy máu ồ ạt.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Viêm loét dạ dày hành tá tràng
Xuất huyết do polyp hành tá tràng
Đây là một nguyên nhân khác có thể gây ra xuất huyết hành tá tràng. Polyp là những u nhú lớn lên từ niêm mạc dạ dày. Polyp này cũng có thể xuất hiện ở hành tá tràng, có thể bị tổn thương và chảy máu ở vị trí này khi polyp phát triển quá lớn. Đây là trường hợp hiếm gặp.
Xuất huyết do ung thư tá tràng, hành tá tràng
Ung thư tá tràng, hành tá tràng là sự biến đổi ác tính của các tế bào niêm mạc, có thể gây ra các triệu chứng như đi ngoài ra máu, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, sụt cân và đau bụng. Ung thư tá tràng cũng có thể gây xuất huyết tại vị trí hành tá tràng nếu như khối u tại đây phát triển lớn và bị vỡ. Tuy nhiên đây là trường hợp rất hiếm gặp.
Chẩn đoán xuất huyết hành tá tràng bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh, người bệnh cần được thực hiện nội soi dạ dày tá tràng để xác định vị trí và mức độ xuất huyết. Tuy nhiên trong một số trường hợp như chảy máu kéo dài hoặc tái xuất huyết thì phương pháp nội soi lại không được chỉ định, các thủ tục phẫu thuật và X quang được chỉ định để kiểm soát chảy máu do loét.
Cùng tìm hiểu các quy trình chẩn đoán và nội soi với trường hợp xuất huyết hành tá tràng như nào nhé. Chẩn đoán có thể bao gồm 1 hay kết hợp nhiều các phương pháp như: Nội soi, X-quang, xét nghiệm máu, phân.
- Nội soi dạ dày tá tràng: Để chẩn đoán bệnh, người bệnh cần được thực hiện nội soi dạ dày tá tràng để xác định vị trí và mức độ xuất huyết. Có thể dùng phân loại Forrest để đánh giá tình trạng xuất huyết ổ loét theo ba mức độ: F1 (xuất huyết nặng), F2 (xuất huyết đã cầm) và F3 (không xuất huyết).
- Chụp X-quang: Trong một số trường hợp như chảy máu kéo dài hoặc tái xuất huyết thì phương pháp chụp X-quang được chỉ định thay thế nội soi để chẩn đoán vị trí và mức độ xuất huyết.
- Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp chẩn đoán hỗ trợ để kiểm tra thiếu máu, nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu hoặc các bệnh lý khác có liên quan.
- Xét nghiệm phân: Đây là phương pháp chẩn đoán hỗ trợ để kiểm tra máu ẩn trong phân hoặc vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn Helicobacter pylori.
Điều trị xuất huyết hành tá tràng
Quản lý ban đầu bao gồm điều trị bằng thuốc, phân tầng nguy cơ, nội soi, phẫu thuật và thuyên tắc động mạch qua ống thông được xem xét và vai trò của chúng trong việc kiểm soát chảy máu loét tá tràng.
Bên cạnh những tiến bộ về điều trị bằng thuốc và nội soi, việc quản lý chảy máu ở những bệnh nhân loét tá tràng có nguy cơ cao vẫn còn là một thách thức. Khi chảy máu kéo dài hoặc tái xuất huyết và phương pháp nội soi thất bại, các thủ tục phẫu thuật và X quang được chỉ định để kiểm soát chảy máu do loét.
Các thủ tục phẫu thuật được thực hiện để kiểm soát xuất huyết, nhưng chúng vẫn liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và thời gian nằm viện lâu hơn. Trong khi đó, thuyên tắc động mạch qua ống thông được khuyến khích như một giải pháp thay thế cho phẫu thuật và thường thay thế phẫu thuật trong việc kiểm soát cầm máu nội soi thất bại.
Cụ thể điều trị xuất huyết hành tá tràng bao gồm: kiểm soát chảy máu, điều trị sau xuất huyết
Kiểm soát cầm máu
Kiểm soát cầm máu là quan trọng hàng đầu trong điều trị xuất huyết hành tá tràng. Cầm máu có thể thực hiện bằng nội soi, hay phẫu thuật, gần đây có thuyên tắc động mạch qua ống thông…. Cùng tìm hiểu cụ thể từng phương pháp, khi nào được lựa chọn.
Cầm máu qua nội soi
Nội soi là tiêu chuẩn vàng tuyệt đối trong chẩn đoán và điều trị xuất huyết đường tiêu hóa nói chung. Trong điều trị xuất huyết hành tá tràng, việc xác định chính xác vị trí chảy máu cho phép phân tầng nguy cơ sâu hơn và việc này nội soi đường tiêu hóa trên có thể làm được.
Tuy nhiên, thời điểm nội soi ở bệnh nhân xuất huyết hành tá tràng (theo các khuyến cáo gần đây) nên được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ hơn các bệnh nhân theo hồ sơ nguy cơ và tình trạng huyết động của họ. Ở bệnh nhân nội soi sốc mất máu nên được thực hiện khẩn cấp sau khi ổn định huyết động trong vòng 12 giờ.
Tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu nguy cơ cao (Forrest Ia đến IIa) nên được điều trị bằng nội soi. Cầm máu qua nội soi có thể thực hiện bằng cách tiêm (epinephrine và trombin/keo fibrin), nhiệt (ví dụ kẹp lưỡng cực và đầu dò nhiệt) và cơ học (kẹp) phương pháp trị liệu.
Điều trị nội soi không được chỉ định ở những bệnh nhân có tổn thương Forrest IIc và III vì nguy cơ tái xuất huyết thấp.
Thuyên tắc động mạch qua ống thông
Do các khía cạnh giải phẫu, phương pháp cầm máu nội soi trong điều trị xuất huyết hành tá tràng có thể rất khó khăn, đặc biệt khi vị trí chảy máu nằm ở thành sau của hành tá tràng. Ngoài ra, động mạch dạ dày tá tràng nằm ngay sau thành sau tá tràng, và sự xói mòn của động mạch này hoặc các nhánh của nó có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt và có liên quan đến tăng nguy cơ tái xuất huyết. Trong trường hợp này thuyên tắc động mạch qua ống thông được đề xuất.
Đây là phương pháp kiểm soát xuất huyết tiêu hóa cấp tính. Thuyên tắc động mạch qua ống thông là một phương pháp thay thế cho phẫu thuật và là lựa chọn điều trị đầu tiên sau khi điều trị nội soi thất bại.
Thủ thuật xâm lấn tối thiểu này được thực hiện bởi các bác sĩ X quang. Khi đã xác định được vị trí chảy máu và đánh dấu vị trí chảy máu này bằng kẹp qua nội soi. Tiếp đến với Thủ tục này bác sĩ X quang can thiệp dễ dàng xác định vị trí chảy máu để thuyên tắc động mạch chủ. Điều này đặc biệt cần thiết đối với thành sau của hành tá tràng, vì động mạch chủ dạ dày- tá tràng với các nhánh của nó chủ yếu liên quan đến vị trí chảy máu.
Do đó, thuyên tắc mạch theo kinh nghiệm là an toàn và hiệu quả bất kể thoát mạch, khi vị trí chảy máu được xác định qua nội soi.
Phẫu thuật cầm máu
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị chính ở những bệnh nhân bị chảy máu kéo dài. Khi các phương pháp nội soi và thuyết tắc động mạch không khả thi thì phẫu thuật được chỉ định.
Điều trị sau xuất huyết
Truyền máu, bù dịch
Ổn định huyết động ban đầu là bước đầu tiên trong việc kiểm soát xuất huyết hành tá tàng. Bên cạnh đó việc bù dịch, việc truyền hồng cầu cũng cần được xem xét để ổn định bệnh nhân. Liều lượng và thời gian truyền phụ thuộc vào lượng máu mất và chỉ số huyết tương, hồng cầu ở công thức máu.
Sử dụng thuốc
Tùy vào nguyên nhân gây xuất huyết hành tá tràng, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị liên quan. Một số thuốc thường được dùng là:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Với trường hợp xuất huyết do viêm loét hành tá tràng, cần kê thuốc giúp ức chế quá trình tiết acid dạ dày và làm lành các tổn thương niêm mạc do loét hoặc viêm. Thuốc có thể được dùng qua đường miệng hoặc tiêm tĩnh mạch, liều lượng và thời gian dùng phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.
- Thuốc kháng sinh: Với nguyên nhân là nhiễm khuẩn HP. Cần kê thêm thuốc giúp kháng khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc các vi khuẩn khác gây ra. Các thuốc này như cimetidin, famotidin, ranitidin…
- Bác sĩ có thể kê thuốc thuốc giảm co thắt, giúp giảm đau (atropin sulphat, papaverin…), thuốc tăng cường yếu tố bảo vệ và giúp ổ loét mau lành (như thuốc trung hòa acid chứa magiê, nhôm, gastropulgit), ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày (misoprostol)…
Lời kết
Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của xuất huyết hành tá tràng. Vậy nên khi có các dấu hiệu xuất huyết hành tá tràng thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức để được điều trị kịp thời. Nếu còn điều gì thắc mắc, bạn vui lòng gọi ngay tổng đài miễn phí 18006626 để được các chuyên gia tư vấn, giải đáp.
Tài liệu tham khảo:
- https://surgicalcasereports.springeropen.com/articles/10.1186/s40792-022-01558-8
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7923890/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4434649/