Trẻ bị trớ sữa do trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khoẻ của bé, các bậc phụ huynh không thể coi nhẹ…
Mọi người đều có thể trào ngược dạ dày thực quản một chút sau mỗi bữa ăn, điều đó sẽ xảy ra khi chúng ta ợ hơi để loại bỏ không khí đã nuốt vào trong khi ăn. Lúc đó, cơ vòng thực quản dưới sẽ giãn ra, khiến các thành phần dịch trong dạ dày trào lên thực quản một cách không tự ý. Bệnh này sẽ xảy ra ở mọi lứa tuổi, có thể từ khi mới trẻ mới sinh cho tới người già, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ nhũ nhi và trẻ sinh thiếu tháng.
Nếu hiện tượng này xảy ra trong thời gian ngắn với tần suất ít, chỉ xảy ra khi sau ăn và không gây ra triệu chứng gì khác, được gọi là trào ngược sinh lý. Còn trào ngược bệnh lý có tần suất thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây ra triệu chứng lâm sàng với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta thường khó phân biệt được trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý.
1. Trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý
Thông thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản, qua tâm vị rồi vào tới dạ dày. Tại đây, sữa được hấp thu một phần, sau đó di chuyển xuống ruột. Điểm nối thực quản vào dạ dày được gọi là tâm vị, tại tâm vị này có cơ vòng thực quản dưới (một dải cơ trơn đặc biệt), tạo nên một vùng có áp lực cao, ngăn dòng trào ngược từ dạ dày lên thực quản, vòng cơ này vẫn sẽ tiếp tục thay đổi sau vài tháng đầu sau sinh.
Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng không kém trong cơ chế trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em đó là giải phẫu học thực quản đoạn dưới và dạ dày. Ở trẻ sơ sinh, dạ dày nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù, khi trẻ biết đi dạ dày sẽ chuyển dần sang vị thế dọc, tâm vị phát triển hơn, góc này trở thành góc nhọn chứ không còn là góc tù và đóng vai trò ngăn ngừa dòng trào ngược khi dạ dày căng to sau khi chứa thức ăn.
Giữa dạ dày và ruột còn có một van có chức năng giống như tâm vị, được gọi là môn vị. Trong khi cơ tâm vị ở trẻ thường rất yếu thì cơ môn vị lại rất phát triển, do đó thức ăn rất dễ ứ đọng lâu trong dạ dày khi trẻ nhỏ.
Thức ăn cho trẻ nhỏ chủ yếu ở thể lỏng, thêm vào đó trẻ lại hay nằm nhiều, hoạt động chưa đồng bộ của cơ tâm vị và cơ môn vị (môn vị – ở dưới và đóng quá chặt, trong khi tâm vị lại ở trên và lỏng lẻo) khiến trẻ dễ bị ọc sau ăn. Ngoài ra, nếu trong quá trình bú, bé có nuốt phải hơi và sau đó được đặt nằm ngang (đầu bằng) hay nghiêng bên phải, bé bị trớ sữa dễ hơn.
Tình trạng trẻ bị trớ do trào ngược dạ dày thực quản sinh lý sẽ khỏi hoàn toàn khi bé biết ngồi và đứng, chuyển sang chế độ ăn đặc, 80% trẻ sẽ dần khỏi trào ngược dạ dày thực quản khi được 6 tháng tuổi và khỏi hoàn toàn khi trẻ từ 9 tới 18 tháng tuổi.
2. Phòng ngừa trẻ bị trớ sữa vì trào ngược dạ dày thực quản
Không ép trẻ ăn nhiều, bạn chia thức ăn ra làm các bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng thức ăn cần thiết cho cơ thể. 2 giờ là thời gian tối thiểu giữa hai lần bú và tối đa là 4-5 giờ (nhu cầu có thể thay đổi ở từng trẻ và trên cùng một trẻ cũng có thể khác nhau ở mỗi giai đoạn).
Đối với trẻ bú mẹ: Bạn nên cho bú bầu vú bên trái trước bởi khi bé mới bú, lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải. Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải bởi lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái. Điều này sẽ giúp sữa dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược. Không nên cho trẻ bú quá lâu, trung bình 10 phút với vú thứ nhất và 20 phút với vú thứ hai. Trẻ bú trên 30 phút sẽ không có lợi vì bé sẽ nuốt hơi nhiều hơn, mệt chênh lệch thời gian bú, rối loạn thèm bú/ghiền vú).
Đối với trẻ bú bình: Khi cho bé bú, luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa. Không bao giờ để bình sữa nằm ngang trong khi bú để tránh tình trạng trẻ bú nhiều hơi trong bình sữa.
- Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt phải nhiều hơi hơn, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, bạn cần bế bé ở tư thế thẳng, ngực bé áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ và vỗ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao.
- Không nên để trẻ nằm bú vì tư thế này sẽ khiến trẻ bị trớ và dễ sặc. Sau khi bé bú xong, bạn không nên đặt trẻ nằm ngay, cũng không nên đùa giỡn với trẻ.
- Ngoài ra, thời gian thức ăn ở trong dạ dày sẽ ngắn lại nếu thức ăn ở nhiệt độ cơ thể (37 độ C), thời gian thức ăn ở dạ dày sẽ kéo dài ra khi thức ăn quá nóng hay quá lạnh, không được nghiền kỹ không đồng nhất.
3. Trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý
Thông thường, trẻ hơn 18 tháng tuổi sẽ không còn hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý nữa. Nếu ở độ tuổi này, bé vẫn còn trào ngược không rõ lý do thì bạn phải nghĩ đến trào ngược dạ dày thực quản do một bệnh lý ngoại khoa nào đó gây nôn ói kéo dài như thoát vị khe, hẹp phì đại cơ môn vị, thực quản đôi, thực quản to,khối u gây chèn, ruột xoay bất toàn,…
Bạn cần đưa trẻ tới bệnh viện, tại đây trẻ sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây trào ngược dạ dạy thực quản và những phương hướng điều trị thích hợp.
Đối với tất cả các trẻ ở mọi độ tuổi, nếu trào ngược có kèm theo một số biểu hiện khác thường sau đây thì cần nghĩ tới trào ngược dạ dày thực quản gây biến chứng:
- Ho mãn tính: thường là ho về đêm không giải thích được nguyên nhân, nhưng ho ban ngày cũng khá thường gặp; đặc biệt, cơn ho sẽ xảy ra lúc trẻ đang đùa giỡn, giảm đi hay biến mất khi trẻ yên tĩnh hoặc ngủ.
- Những bệnh nhiễm trùng ở phổi tái phát, thở khò khè hay hen phế quản không rõ nguyên nhân.
- Bệnh lý tai mũi họng tái phát: viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa… không rõ nguyên nhân.
- Ngưng thở lúc thức: khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có thể đột ngột trợn mắt, duỗi cứng, môi tím, tái nhợt.
- Ngưng thở lúc ngủ.
- Chậm lớn.
- Nôn nhiều với lượng lớn, nôn thành vòi dù có liên quan đến bữa ăn hay không.
- Rối loạn hành vi tâm thần.
- Trẻ bị trớ sữa nhiều, liên tục, kể cả khi không bú.